Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nắng nóng kéo dài, gia tăng nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng trên cả nước tiếp tục tăng mạnh, kéo dài, nhiệt độ cao nhất nhiều nơi vượt ngưỡng 42 độ C. Chuyên gia y tế cảnh báo, nắng nóng có thể gây mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt khi con người tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao.

Cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra dự báo, Hà Nội, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, nắng nóng vượt 42 độ C kéo dài nhiều ngày. Thời tiết nắng nóng kéo dài là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe như say nắng, say nóng, bệnh hô hấp, đột quỵ…

Theo Bộ Y tế, nguy cơ đột quỵ có thể tăng thêm 10% khi nhiệt độ môi trường tăng thêm 1 độ C. Do đó, người dân lưu ý khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp.

Nắng nóng khiến con người có cảm giác ngột ngạt, dễ đau đầu, chóng mặt và dễ có cảm giác choáng khi thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
Nắng nóng khiến con người có cảm giác ngột ngạt, dễ đau đầu, chóng mặt và dễ có cảm giác choáng khi thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Học - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, nắng nóng gây cơ thể mất nước, muối nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu bị lưu thông kém. Hậu quả là làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu, từ đó tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.

Say nắng và sốc nhiệt đều dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt và triệu chứng tổn thương thần kinh trung ương. Triệu chứng kinh điển của tình trạng này là tăng thân nhiệt trên 40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp. Trong đó, những người có bệnh lý nền thường có nguy cơ gặp phải hậu quả nghiêm trọng hơn.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, vào mùa Hè, nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu, từ đó tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.

PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai  khám cho bệnh nhân đột quỵ.
PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai  khám cho bệnh nhân đột quỵ.

Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng, người bệnh có những biểu hiện ban đầu như: Mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp… sau đó có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, sốt cao (từ 39 - 40 độ C), hôn mê…

Biến chứng thường gặp nhất ở những bệnh nhân sốc nhiệt muộn là: co giật, tiêu cơ vân, suy thận, hôn mê kéo dài, tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục, thậm chí là tử vong. Sốc nhiệt đặc biệt nguy hiểm với người già, trẻ em và các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính.

Cách phòng bệnh

GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho hay, việc cấp cứu ban đầu khi phát hiện người bị sốc nhiệt vô cùng quan trọng. Điều này quyết định việc có cứu sống được nạn nhân hay không.

Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, có nhiều yếu tố dẫn đến nguy cơ sốc nhiệt. Trong đó nhóm có nguy cơ cao là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, người có bệnh nền và người lao động, hoạt động ngoài trời. Đặc biệt, đối với người vận động thể thao ngoài trời, lao động gắng sức dễ xảy ra tình trạng sốc nhiệt.

Thời gian cấp cứu nạn nhân sốc nhiệt tốt nhất là 30 phút đầu tiên, trong đó, nếu được hạ nhiệt, cấp cứu trong 15 phút đầu tiên sau khi xuất hiện triệu chứng sẽ có cơ hội cứu sống 100%. Trong 30 phút cơ hội cứu sống là 80%. Khi qua 30 phút đầu tiên, cơ hội cứu sống nạn nhân sẽ giảm rất nhanh, chỉ còn khoảng 40% ở phút 60 và sau hơn 1 tiếng chỉ còn 5-10%. Vì vậy, việc cấp cứu tại chỗ vô cùng cần thiết và cấp bách.

Bệnh nhân cấp cứu tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân cấp cứu tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.

Để phòng bệnh đột quỵ, nhất là trong thời tiết nắng nóng gay gắt, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân, đặc biệt là người trẻ nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh; tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ: tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường….

Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt…), người bệnh cần được đưa ngay đến các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời trong giai đoạn giờ vàng (từ 4 - 6 giờ).

Người dân hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt từ 12 đến 16 giờ. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài, bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời. Đồng thời, nên mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi; tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, đặc biệt cần uống tối thiếu 1,5 - 2 lít nước/ngày.

Những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ; hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao; hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy; không sử dụng các loại đồ uống có cồn, cần uống nước đều đặn suốt thời gian làm việc...

 

Say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng chủ yếu do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức; những người mắc các bệnh mạn tính (tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường…).

Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế