Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năng suất và chất lượng của Việt Nam đã có thay đổi rõ nét

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các hoạt động của Chương trình Quốc gia năng suất chất lượng được triển khai tốt đã giúp thay đổi tích cực bức tranh năng suất chất lượng của Việt Nam.

Hôm nay (15/9), Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Thập niên Chất lượng lần thứ 2 (2006-2015) và tổng kết giai đoạn 1 (2010-2015) Chương trình Quốc gia năng suất chất lượng. Tham dự có đại diện của Ủy ban KHCN&MT Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, địa phương cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.

Ông Trần Việt Thanh -Thứ trưởng Bộ KH&CN đánh giá, sau giai đoạn Thập niên chất lượng lần thứ 1 (1996-2005), Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa và hội nhập quốc tế. Trải qua 10 năm, các doanh nghiệp đã dần khẳng định được chất lượng hàng hóa của Việt nam, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Các doanh nghiệp Việt đang dần khẳng định được chất lượng hàng hóa cũng như tăng sức cạnh tranh với quốc tế
Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Các doanh nghiệp Việt đang dần khẳng định được chất lượng hàng hóa cũng như tăng sức cạnh tranh với quốc tế
Chính vì vậy, Thập niên Chất lượng lần thứ 2 (2006-2015) với chủ đề "Năng suất Chất lượng - Chìa khóa phát triển và hội nhập" đã đặt ra  mục tiêu mới là tạo lập uy tín chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa "sản xuất tại Việt Nam", khẳng định hơn nữa vai trò và tầm quan trọng của năng suất và chất lượng trong phát triển kinh tế đất nước.

Nhằm triển khai những mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 phê duyệt Chương trình Quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020", đây là hành động đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất và chất lượng tại Việt nam, phục vụ công cuộc đổi mới doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội", Thứ trưởng Trần Việt Thanh khẳng định.

Được biết, trong thời gian vừa qua, Bộ KH&CN đã triển khai hàng loạt các hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng như xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn, xây dựng các mô hình điểm tại doanh nghiệp ... Qua đó tạo ra những thay đổi rõ nét trong bức tranh năng suất và chất lượng của Việt Nam. Ngoài ra các dự án cụ thể trong khuôn khổ chương trình quốc gia về năng suất chất lượng cùng với tinh thần chủ đạo của thập niên chất lượng đã được triển khai trên phạm vi cả nước.

Mặt khác, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức đã giúp người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách lựa chọn các sản phẩm hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để sử dụng.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng chia sẻ thêm rằng, chỉ tiêu năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) đã được đưa vào mục tiêu về tăng trưởng kinh tế trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 Trong đó xác định năng suất yếu tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt khoảng 35%.

Chính từ nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng, ứng dụng công nghệ, giải pháp mới, đã góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp vào tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước từ mức đóng góp không đáng kể trong giai đoạn trước đẩy lên trên 25% trong giai đoạn 2011 - 2014 và đạt mục tiêu đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế trên 30% vào năm 2015, Thứ trưởng cho biết.

Thứ trưởng khẳng định, mặc dù giai đoạn 1 đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu của Chương trình nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như tiến độ xây dựng, phê duyệt các dự án năng suất chất lượng của một số ngành, địa phương còn chậm và một số dự án còn lúng túng trong việc triển khai các hoạt động cụ thể, thiếu sự chủ động của doanh nghiệp.