Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng tầm chất lượng du lịch Thủ đô

Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành điểm đến “An toàn – Thân thiện - Chất lượng – Hấp dẫn”, năm 2018, Sở Du lịch TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân lực ngành kinh tế xanh; đồng thời, liên kết với các DN, địa phương, điểm đến, các hãng hàng không và báo giới ưu tiên phát triển sản phẩm chất lượng cao nhằm nâng tầm chất lượng du lịch Thủ đô.

Chú trọng công tác đào tạo
Năm 2017, Hà Nội đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kế hoạch về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bộ Chính trị và TP Hà Nội. Đặc biệt, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tính đến hết tháng 12/2017, Hà Nội đón 23,83 triệu lượt khách, tăng 9% so với năm 2016. Trong đó, khách quốc tế đạt 4,95 triệu lượt, tăng 23%. Khách quốc tế có lưu trú đạt 3,533 triệu lượt, tăng 22%. Khách nội địa đạt 18,88 triệu lượt, tăng 6%. Tổng thu từ du khách đạt gần 71 ngàn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016... Trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2017 có sự kiện Du lịch phát triển mạnh mẽ, đứng trong nhóm 10 TP tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
 Sở Du lịch Hà Nội tổ chức đoàn DN lữ hành khảo sát làng họa sĩ Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Hồ Hạ. 
Có được kết quả đáng tự hào đó là bởi năm 2017, TP đã quan tâm đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế xanh. Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành được bổ sung, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ. Sản phẩm du lịch được chú trọng về chất và lượng, đa dạng hoá các hình thức đầu tư… Song song với khai thác thế mạnh vốn có về du lịch văn hóa, lịch sử; TP đã kêu gọi đầu tư, đôn đốc tiến độ các dự án, sản phẩm du lịch tiêu biểu như: Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi Kim Quy đạt tiêu chuẩn quốc tế; dự án xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại Đông Anh; Quy hoạch trục Nội Bài - Nhật Tân với khu công viên, vui chơi giải trí, hồ điều hòa; Khu công viên thể thao thuộc dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu, Quốc Oai. Đầu tư xây dựng 20 khách sạn cao cấp 4 - 5 sao. Kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch khu vực Hồ Tây, bãi giữa và hai bên sông Hồng, khu vực Nhật Tân - Nội Bài, khu du lịch quốc gia Ba Vì - Suối Hai. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân trang trí, tạo cảnh quan đặc sắc để du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Coi chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong việc nâng tầm chất lượng du lịch, năm 2017, Sở đã chủ trì và phối hợp tổ chức 34 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 2.474 học viên là những người trực tiếp tham gia quản lý du lịch và phục vụ du khách trên địa bàn TP. Đồng thời, tổ chức đội “Hỗ trợ Du lịch Thăng Long – Hà Nội” gồm 200 sinh viên hoạt động tại 6 điểm du lịch đông khách nhất, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Hà Nội “An toàn – Thân thiện – Chất lượng - Hấp dẫn”.
 Du khách quốc tế tại Hà Nội. Ảnh: Hồ Hạ.
Quảng bá hiệu quả
Cùng với đó, Sở đã phối hợp hiệu quả với các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế trong việc kết nối, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch tại thị trường ngoài nước và ngược lại. Tiêu biểu như chương trình đón du khách quốc tế đầu tiên đến Hà Nội năm 2018; chương trình “Du xuân hữu nghị” cho các đại sứ và phu nhân; đón đoàn Fam Thụy Điển đến khảo sát... Ở trong nước, Sở tiếp tục triển khai các hoạt động ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, TP; phối hợp với 22 địa phương tổ chức cho các DN lữ hành khảo sát, xây dựng các tour, tuyến kết nối với các điểm đến của Hà Nội; phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức thành công Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM-Hà Nội 2017, tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô. Với 465 gian hàng của 672 DN và cơ quan xúc tiến đến từ 25 quốc gia, đón khoảng 3000 lượt DN đến làm việc và khoảng 61.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm... VITM là Hội chợ Du lịch Quốc tế có quy mô lớn nhất Việt Nam. 
Đặc biệt, năm 2017, Sở Du lịch và Mạng tin tức truyền hình Cáp CNN đã hoàn thành sản xuất và phát sóng 2 phim quảng cáo 30 giây tại 4 khu vực: Châu Á-TBD, Nam Á, Bắc Mỹ, Châu Âu và Trung Đông. Chương trình nhận được nhiều đánh giá tích cực từ khán giả, du khách, báo giới; tạo hiệu ứng quảng bá tốt về hình ảnh Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
Song song với đó, Sở đã chủ động phối hợp với Cục Thống kê và các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát khách du lịch đến Hà Nội và đánh giá tác động của du lịch đối với kinh tế Thủ đô. Đây là nền tảng thông tin cho công tác quy hoạch, xây dựng sản phẩm, dự báo phát triển du lịch Hà Nội những năm tiếp theo.
Dựa trên kết quả nghiên cứu thị trường, ngay từ đầu năm, Sở đã chủ trì tổ chức khảo sát, phối hợp xây dựng, nâng cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch tại nhiều điểm đến như: Hoàng Thành Thăng Long, Làng lụa Vạn Phúc; làng nghề gốm sứ Bát Tràng; làng họa sĩ Cổ Đô, Ba Vì; xã Hồng Vân, huyện Thường Tín; huyện Thanh Trì; Tây Hồ; Sóc Sơn; Đông Anh, Hoàn Kiếm, Phú Xuyên...; phối hợp với VNPT xây dựng và thực hiện đề án du lịch thông minh cho TP; phối hợp với sàn giao dịch du lịch trực tuyến Tripi nâng cấp website ngành du lịch TP với 3 nội dung xuyên suốt: Thông tin công tác quản lý nhà nước về du lịch, thông tin về các hoạt động của DN và thông tin phục vụ du khách đảm bảo tính tiện ích, hấp dẫn, liên kết thông tin cũng như khả năng tương tác cao.
 Hình ảnh Hà Nội trên kênh CNN.
Truyền thông quốc tế đánh giá cao
Tất cả không chỉ góp phần nâng tầm chất lượng du lịch Thủ đô mà còn giúp hình ảnh, vị thế của Thủ đô Hà Nội ngày càng được nâng cao trong mắt du khách và truyền thông quốc tế. Minh chứng là, năm 2017, Hà Nội vinh dự được nhiều tạp chí, trang du lịch uy tín hàng đầu thế giới như Business Insider; Pinterest; Caterwings; Discovery; CNN; TripAdvisor; Telegrap đánh giá cao với các danh hiệu: Hà Nội xếp thứ 3/20 điểm được nhiều người mơ ước đến thăm nhất thế giới; Top 10 TP tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới; Top những điểm đến dẫn đầu xu thế du lịch 2017; Top những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới; Hà Nội sở hữu nhiều khách sạn tốt nhất Việt Nam; Top 100 TP có đồ ăn ngon nhất thế giới; TP ẩm thực hàng đầu thế giới…
Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, điều quan trọng nhất để thu hút du khách là phải tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, chất lượng, đặc trưng của Thủ đô và dịch vụ hoàn chỉnh, ấn tượng. Chính vì vậy, thời gian tới, Sở Du lịch TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh liên kết với các cấp, ngành, tổ chức, DN, nghiên cứu kỹ nhu cầu của từng thị trường khách. Từ đó, tiếp tục xây dựng các tour mới, có chất lượng; nâng cấp điểm đến tại một số di sản văn hóa trên địa bàn;...
Cùng với đó, ngành du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá du lịch trên mạng tin tức Truyền hình cáp CNN (Mỹ); tham gia các hội chợ, hội nghị, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế; đón các đoàn chuyên gia, DN, báo chí của các tỉnh, TP trong và ngoài nước đến khảo sát và liên kết phát triển du lịch... nhằm thu hút du khách đến với Hà Nội. Ngoài ra, Sở sẽ thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch khác nhằm đạt mục tiêu của năm 2018 là đón 25,4 triệu lượt khách, tăng 7%, trong đó khách quốc tế đạt 5,5 triệu lượt khách, tăng 11%; tổng thu từ du khách phấn đấu đạt 75.783 tỷ đồng, tăng 7 % so với năm 2017.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng cao, do đó, Sở Du lịch mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, đơn vị có liên quan và toàn thể DN, người dân trên địa bàn TP nhằm nâng tầm chất lượng du lịch Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”.