Tận dụng nguồn nông sản sạch dồi dào của địa phương, Công ty TNHH MTV Ocean line đã đầu tư máy móc hiện đại vào quy trình sản xuất dầu sở, cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn dầu thực vật mang thương hiệu “Dầu sở xứ Lạng” mỗi năm. Đây cũng là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tiêu biểu, độc đáo, có giá trị kinh tế cao của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Sở là loại cây được người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trồng từ lâu, có khả năng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương và đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện toàn tỉnh Lạng Sơn có trên 3.000 ha diện tích cây sở, trong đó có trên 2.000 ha diện tích đang cho thu hoạch. Cây sở được trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng, Văn Quan… Tuy nhiên, những năm gần đây, người trồng sở đang gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm từ cây sở.
Với mong muốn góp phần giúp người dân ổn định đầu ra cho sản phẩm quả sở, đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm dầu sở của địa phương, đầu năm 2021, Công ty TNHH MTV Ocean line đã đầu tư xây dựng cơ sở chế biến dầu sở tại thôn Pá Phiêng, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn để sản xuất dầu sở. Cơ sở có hệ thống máy ép trị giá gần 10 tỷ đồng, công suất chế biến từ 1.500 – 2.000 tấn hạt sở/năm.
Chia sẻ về hoạt động sản xuất, kinh doanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ocean line Vũ Quang Dự cho biết: dầu sở có nhiều dinh dưỡng, Omega 6, Omega 9… hàm lượng chất tương đương với dầu oliu và là loại dầu ăn được ưa chuộng trên thị trường quốc tế hiện nay. Với hệ thống nhà máy chế biến khép kín, nếu hoạt động hết công suất thì một ngày đêm, dây chuyền của Ocean line có thể sản xuất khoảng 2.800 lít dầu sở.
Tất cả các công đoạn ép dầu sở đều đảm bảo chất lượng, sản lượng của dầu, đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Cụ thể, sau khi sơ chế hạt sở được nghiền thành bột mịn rồi đưa vào máy hấp để làm chín, đây là khâu quan trọng để dầu sở không bị khét mà có mùi thơm dịu tự nhiên. Ngay khi còn nóng, bột sở được đưa vào khuôn, ép chặt thành bánh trong các túi vải để chuẩn bị cho công đoạn ép lấy dầu. Máy ép thủy lực tách dầu từ hạt sở một cách hiệu quả và nhanh chóng, đảm bảo được sự tinh khiết và nguyên vẹn của sản phẩm.
Sau khi ép, dầu thô được đưa vào các hệ thống nấu, lọc nhiều lớp để thu lấy tinh dầu rồi đưa về bồn chứa lớn để kiểm định các chỉ tiêu về chất lượng và đảm bảo sự đồng đều cho sản phẩm. Dầu sở thành phẩm có màu vàng óng và mùi thơm dịu đặc trưng.
“Dầu sở được sản xuất tại Ocean line là dầu nguyên chất, không có chất bảo quản nên hoàn toàn đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Đến nay, các sản phẩm của công ty đều đã có tem nhãn, đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc.” – ông Vũ Quang Dự nhấn mạnh.
Thành quả lao lao động của Ocean line đã được ghi nhận khi công ty xây dựng và đăng ký thành công thương hiệu sản phẩm Dầu sở xứ Lạng. Không chỉ sản xuất kinh doanh hiệu quả, công ty còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động tại địa phương.
Hiện, mỗi năm Công ty TNHH MTV Ocean line thu mua, chế biến khoảng 30% sản lượng sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và xuất bán ra thị trường 200 tấn dầu sở thành phẩm với giá bán trung bình 400.000 đồng/lít. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của dầu sở Lạng Sơn. Tuy giá thành cao, song dầu sở lại đang được người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới cũng như trong nước ưa chuộng.
Năm 2023, sản phẩm Dầu sở xứ Lạng của Công ty TNHH MTV Ocean line được UBND tỉnh Lạng Sơn chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Đặc biệt, trong năm công ty cũng được cấp mã số xuất khẩu, đây là điều kiện quan trọng để đưa sản phẩm dầu sở vào thị trường Trung Quốc tiêu thụ theo đường chính ngạch. Hiện nay, sản phẩm Dầu sở xứ Lạng cũng đang tiếp cận với thị trường tiêu thụ của Nhật Bản. Đây là cơ hội và cũng là thách thức để công ty nâng cao giá trị sản phẩm Dầu sở xứ Lạng trên thị trường.
Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Ocean line Vũ Quang Dự, để tạo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, công ty đã phối hợp với phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc tổ chức kết nối thu mua sản phẩm các xã trên địa bàn huyện. Đồng thời, đặt địa điểm thu mua nguyên liệu tại một số người dân ở các địa bàn lân cận.
Trong năm 2022, công ty đã thu mua hơn 300 tấn hạt sở khô của người dân trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2023, công ty thu mua khoảng 1.000 tấn hạt sở khô với giá từ 22.000 – 28.000 đồng/kg, qua đó, góp phần giúp người trồng sở ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống.
Bên cạnh “bí quyết” ép dầu sở, Ocean line cũng không ngừng nâng cao năng lực kỹ thuật vận hành máy móc thiết bị và sử dụng công nghệ thông tin để quản lý quy trình sản xuất một cách hiệu quả. Công ty sử dụng các phần mềm quản lý sản xuất để theo dõi và kiểm soát từng bước từ việc nhập nguyên liệu đến sản xuất và đóng gói sản phẩm.
Với việc đầu tư mạnh mẽ vào máy móc và công nghệ hiện đại, Ocean line không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn góp phần tạo ra một môi trường sản xuất an toàn và hiệu quả, khẳng định vị thế của mình trên thị trường và mở ra những cơ hội phát triển mới trong tương lai.
Cao Lộc là địa phương có diện tích trồng sở lớn nhất trong của tỉnh Lạng Sơn với diện tích khoảng 1.500ha. Huyện cũng xác định cây sở một trong những cây trồng chủ lực, đóng góp vào phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc Nguyễn Văn Hanh, những năm gần đây, huyện đã và đang tích cực mở rộng diện tích trồng, chăm sóc cải tạo cây sở nhằm xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.
Trong năm 2023, thực hiện chương trình liên kết, phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc đã củng cố thương hiệu, kết nối tiêu thụ với Công ty TNHH MTV Ocean line chuyên sản xuất dầu ăn để tiêu thụ hạt sở cho người dân. Để cây sở phát triển bền vững, trong thời gian tới, phòng NN&PTNT Cao Lộc sẽ phối hợp với UBND các xã, tập trung xây dựng thương hiệu, chuẩn hóa các sản phẩm từ hạt sở để phối hợp với Ocean line đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Lạng Sơn Trần Anh Tuấn cho biết: thời gian qua để sản phẩm dầu sở được nhiều người biết đến, trung tâm đã tư vấn cho Công ty TNHH MTV Ocean line phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP; khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong, ngoài tỉnh cũng như hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế nhằm đưa sản phẩm đến gần hơn với các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.
Để phát triển bền vững sản phẩm Dầu sở xứ Lạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu, bên cạnh việc quản lý nghiêm ngặt về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm của công ty, việc quy hoạch vùng trồng sở cũng rất quan trọng. Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục định hướng, tuyên truyền người dân, phát triển quy hoạch cây sở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung để đảm bảo bền vững chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Chiều thông tin: thời gian tới, ngành nông nghiệp Lạng Sơn tiếp tục hỗ trợ hình thành các chuỗi sản xuất an toàn, áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến vào sản xuất như: sản xuất hữu cơ, áp dụng các công nghệ vào chế biến sâu, bảo quản sản phẩm... Cùng với đó, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP, nông đặc sản địa phương; hỗ trợ về đầu tư công nghệ, xây dựng bao bì, tem nhãn sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, từ đó hướng đến hình thành các vùng sản xuất ổn định bền vững.
09:24 18/12/2024