Nâng tầm vị thế “đầu tàu”

Huỳnh Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong Đồ án Quy hoạch điều chỉnh đã được Bộ Xây dựng tổ chức hội đồng thẩm định hồi năm 2017, vùng TP Hồ Chí Minh sẽ có vị trí chiến lược trung tâm vùng Đông Nam Á, giữ vị trí chiến lược về cảng biển trung chuyển quốc tế, cảng hàng không quốc tế, là cầu nối tiểu vùng sông Mekong.

Theo đó, vùng TP Hồ Chí Minh có dân số gần 19 triệu người, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của quốc gia và dự báo đóng góp khoảng 41,8% GDP của cả nước.
 
Về mô hình, vùng TP Hồ Chí Minh được phân làm 4 tiểu vùng và các trục hành lang kinh tế trọng điểm với những định hướng phát triển không gian phù hợp với các yếu tố đặc thù của điều kiện tự nhiên; điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật; trình độ phát triển kinh tế. TP Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân trung tâm của vùng. TP Bình Dương là đô thị động lực phía Bắc, TP Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía Đông. Đô thị Củ Chi - Hậu Nghĩa - Đức Hòa là các đô thị động lực vùng phía Tây Bắc. Bến Lức - Cần Giuộc - Hiệp Phước là các đô thị sinh thái phía Tây Nam. Diện tích khoảng 5.163,92km2, dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 15.700.000 người, tỷ lệ đô thị hóa năm 2030 khoảng 85 - 90%.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng TP Hồ Chí Minh đến 2030, tầm nhìn đến 2050 do Viện Quy hoạch Xây dựng Miền Nam (Bộ Xây dựng) và nhóm chuyên gia Công ty Tư vấn Insar (Cộng hòa liên bang Đức) triển khai nghiên cứu thì hệ thống đô thị vùng TP Hồ Chí Minh được xác định phân bổ theo mô hình hạt nhân đô thị trung tâm vùng và vùng đô thị trung tâm. Các đô thị hạt nhân theo các cực tăng trưởng trọng điểm ở vùng ngoại vi gắn với chuỗi hành lang kinh tế đô thị. Về tổ chức không gian vùng, TP Hồ Chí Minh là “hạt nhân” của vùng đô thị trung tâm với các vùng đô thị phía Tây Bắc, phía Bắc và phía Đông trong vùng với bán kính từ 30 - 40km. TP Hồ Chí Minh sẽ kết nối vùng đô thị ở các cực phát triển trọng điểm như cực phát triển trọng điểm phía Đông Nam trung tâm là TP Vũng Tàu, cực phát triển phía Đông trung tâm là đô thị Long Khánh (Đồng Nai), cực phát triển phía Bắc trung tâm là đô thị Chơn Thành, cực phát triển phía Tây Bắc trung tâm là TP Tây Ninh, cực phát triển phía Tây Nam là TP Mỹ Tho.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần