70 năm giải phóng Thủ đô

Nâng tuổi nghỉ hưu: Phương án nào phù hợp?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ LĐTB&XH đang đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu với hai phương án (PA) thực hiện để lấy ý kiến. Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đa số các ý kiến đều nghiêng về PA 1 bởi tính khả thi nhiều hơn.

Hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu
Trong dự thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ LĐTB&XH nêu rõ 2 PA: PA1, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
PA2, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
 Hướng dẫn người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Bộ LĐTB&XH cũng nêu rõ các lý do xác định mốc tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60, sau khi đã căn cứ vào tổng hòa các yếu tố kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 28-NQ/TƯ. Tuổi nghỉ hưu cần được điều chỉnh tăng lên (thay vì 55 với nữ và 60 với nam) bởi quy mô, cơ cấu dân số Việt Nam đang thay đổi theo hướng tỷ lệ người trong độ tuổi có khả năng lao động giảm vì già hóa dân số, số người phụ thuộc đang tăng lên 44,4% vào năm 2019.
Bên cạnh đó, chất lượng thể trạng sức khỏe của NLĐ ngày càng tăng; tuổi thọ bình quân của nam và nữ là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới (72).
Hai yếu tố khác cũng được Bộ LĐTB&XH đưa ra, so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp, trong khi lại có mức tuổi thọ ở tuổi 60 khá cao. Lực lượng lao động tham gia thị trường lao động những năm gần đây tăng chậm cả về số lượng và tỷ lệ.
Cụ thể, cuối năm 2013 cả nước có 53 triệu lao động nhưng sau 5 năm chỉ tăng thêm 2 triệu lao động, cho thấy Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai. Một vấn đề nữa, tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới phổ biến trên 60 đối với nữ, trên 62 với nam. Trong số 176 quốc gia, tuổi nghỉ hưu của nữ phổ biến từ 60 - 62, chiếm 37,5%, nam phổ biến từ 60 - 62 chiếm 47,2%, vì thế Việt Nam rất cần điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.
Tăng chậm nhưng an toàn
Trước 2 PA được Bộ LĐTB&XH đề xuất, nhiều ý kiến nghiêng về PA1 đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu chậm hơn so với PA2. Với PA1, nam sẽ mất 8 năm để hoàn chỉnh tuổi nghỉ hưu 62, nữ mất 15 năm để đạt 60 tuổi.
Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Lê Đình Quảng - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, lộ trình tăng ở PA1 hơi chậm nhưng an toàn cho mối quan hệ lao động. Kinh nghiệm một số nước, tăng tuổi nghỉ hưu chậm thì đảm bảo tính bền vững và không gây sốc cho quan hệ lao động, thị trường lao động. Từ đó không ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, an ninh chính trị.
Còn ở lộ trình PA2, thời gian tăng tuổi nghỉ hưu nhanh hơn đối với nữ (1 năm tăng 6 tháng) sẽ ổn hơn khi áp dụng cho những người làm khu vực hành chính sự nghiệp. Nhưng, lực lượng lao động ở khu vực sản xuất nhiều hơn vì thế chọn PA1 để không tạo ra cú sốc cho chủ sử dụng và NLĐ.
Nhiều năm gắn bó với công nhân, PGS.TS Nguyễn Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chọn PA1, mỗi năm nam tăng thêm 3 tháng, nữ 4 tháng. Thực hiện PA1 để vừa làm vừa rút kinh nghiệm với thị trường lao động Việt Nam, tình hình kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì lao động có tiếp tục tăng. Và, việc nâng tuổi nghỉ hưu như thế có thỏa mãn được yêu cầu đất nước đang hướng tới thị trường toàn dụng nhân lực.
“Ngay lập tức, thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể dẫn tới bất cập của thị trường lao động, lớn nhất là dư thừa nhân lực cục bộ không lường trước được. Khi đó, sẽ phá vỡ kết cấu thị trường lao động dẫn đến tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng” - ông Thọ cảnh báo.
TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động - Xã hội, Bộ LĐTB&XH, cũng chọn PA1 để không gây quá sốc với nam và nữ so với PA2. Khi PA1 tăng với tốc độ chậm hơn PA2, thị trường lao động có cơ hội điều chỉnh thuận lợi hơn. Nhưng cần tiếp tục phân tích cho kỹ, mức nâng tuổi nghỉ hưu của nam là 2 năm, nữ 5 năm thì biên độ tăng của nam thấp hơn nữ. Điều này đồng nghĩa với lao động nữ bị sức ép về tăng tuổi nghỉ hưu nhiều và phải chịu gánh nặng hơn so với nam.

"Điều băn khoăn lớn nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là quy định tuổi nghỉ hưu nữ 60, nam 62 không phù hợp với công nhân làm việc trực tiếp tại các DN, giáo viên mầm non. Hiện nay, những NLĐ làm việc trực tiếp tại các DN, không ai nghỉ hưu đúng với tuổi quy định (60 với nam và 55 với nữ). Vì thế, Tổng Liên đoàn cho rằng, Chính phủ có cách tính thế nào để linh hoạt làm cho đối tượng này đảm bảo hơn”. - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng


Bộ LĐTB&XH vừa trình Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi), trong đó đề xuất phương án các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thống nhất một khung giờ làm việc từ 8 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút và rút ngắn thời gian nghỉ trưa còn một tiếng.