Suy giảm diện tích rừng tự nhiên
Thống kê của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho thấy, mặc dù diện tích rừng bị thiệt hại giảm 270ha/năm nhưng trong 4 năm từ 2016 - 2019, trung bình mỗi năm chúng ta mất đi 2.430ha rừng. Hiện nay, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị lớn của Việt Nam chỉ ở mức từ 2 - 3m2/người, trong khi đó, chỉ số tỷ lệ cây xanh/người của các TP hiện đại trên thế giới phổ biến từ 20 - 25m2/người.
Ngoài ra, số liệu của Bộ TN&MT cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ cây xanh ở đô thị hiện nay chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn, trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể. Thực tế độ che phủ cây không thể che đậy được tình trạng biến mất rừng tự nhiên và cũng không thể bù đắp được các chức năng phòng hộ sinh thái, hạn chế thiên tai mà rừng tự nhiên có thể đem lại.
Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên đã ảnh hưởng không nhỏ tới tài nguyên rừng cũng như hoạt động lâm nghiệp.
Chuyên gia lâm nghiệp GS Nguyễn Ngọc Lung cho biết, rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ. Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém…
Hà Nội nâng tỷ lệ che phủ rừng ở mức 5,67 - 6,2%
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, năm 2022, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND về thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo.
TP Hà Nội xác định xây dựng ngành lâm nghiệp Thủ đô trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của rừng Hà Nội.
Bên cạnh đó, TP coi đầu tư, phát triển, cải tạo rừng, làm giàu rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời gắn với phát triển du lịch…
Để góp phần bảo vệ “lá phổi xanh cho Thủ đô”, TP yêu cầu giữ nguyên diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng hiện có; phát triển rừng sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu của từng địa phương; phấn đấu nâng tỷ lệ cây xanh 2 - 3m2/người như hiện nay lên 8 - 10m2/người vào năm 2025 và 10 - 15m2/người vào năm 2030.
TP cũng đề ra mục tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định ở mức 5,67 - 6,2%. TP cũng yêu cầu các địa phương trồng rừng tập trung hằng năm đạt bình quân 150ha, chăm sóc rừng trồng khoảng 2.400ha/năm, khoanh nuôi tái sinh 200ha/năm, trồng 300.000 cây phân tán/năm…
Nói về giải pháp đạt mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng ở mức 5,67 - 6,2%, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất), tổ chức cắm mốc ranh giới rừng ngoài thực địa trên địa bàn các huyện, thị xã có rừng.
Đồng thời, đề nghị các địa phương quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên; từng bước phục hồi và nâng cao chất lượng rừng hiện có. Cùng với đó, tăng cường năng lực quản trị cho các chủ rừng thông qua việc thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá tài nguyên rừng trên hệ thống số hóa.
Bên cạnh đó, hàng năm, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội xây dựng kế hoạch và triển khai tới các địa phương trồng rừng tập trung bình quân 150ha/năm, chăm sóc rừng trồng 2.400ha/năm, khoanh nuôi tái sinh 200ha/năm, trồng 300.000 cây phân tán/năm.
“Khi trồng rừng, chúng tôi yêu cầu các địa phương và chủ rừng chọn, tạo giống cây theo tiêu chuẩn để nâng cao năng suất, chất lượng cây rừng. Đặc biệt, chúng tôi đề nghị các địa phương xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các khu rừng có tiềm năng để tạo nguồn thu tái đầu tư cho phát triển lâm nghiệp” – ông Lê Minh Tuyên nhấn mạnh.
Ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu lao động trong ngành đến năm 2025 được đào tạo 40%, đến năm 2030 là 45%; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trung bình 5 - 5,5%/năm; xuất khẩu lâm sản đạt 18 - 20 tỷ USD vào năm 2025, 23 - 25 tỷ USD vào năm 2030; thu dịch vụ môi trường rừng 3.500 tỷ đồng vào năm 2025 và trên 4.000 tỷ đồng vào năm 2030; cấp chứng chỉ quản lý bảo vệ rừng 0,5 triệu hécta vào năm 2025, 1 triệu hécta vào năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42 - 43%.