Thơm nức một góc chợ, thấp thoáng trong giỏ xe, trong những chiếc làn đi chợ… của các bà, các mẹ, những bó mùi già vẫn về trong lòng phố mỗi dịp Tết đến như một thói quen không thể rời xa của người Hà thành. Dù đô thị hoá dập dồn trong lòng phố, nhịp sống công nghiệp hối hả trong guồng quay không ngừng nghỉ, thì hương vị mùi già vẫn yên vị trong nỗi thiết tha của người đô thị hôm nay.
Hương vị của bình yên
Trong vô vàn sắc hương ngày Tết, nhất là trong cuộc sống hiện đại hôm nay, có lẽ hương mùi già vẫn cứ là thứ vấn vương, khiến người ta tha thiết nhớ mỗi khi Tết ngấp nghé bên thềm. Bà nội tôi khi xưa hay bảo “Hương mùi già làm ngày Tết như trọn vẹn hơn”. Thêm mỗi tuổi tôi càng cảm nhận rõ điều đó, nhất là giữa buổi hiện đại hóa và giao lưu hội nhập văn hóa, vô vàn sắc hương đua chen gom góp trong đời sống đô thị.
Thì đích thị hương mùi già là nỗi nhớ thương của biết bao con người thế hệ 7x, 8x trở về trước. Nó gói ghém vô vàn ký ức về những người bà, người mẹ, người chị với những cái Tết đoàn viên quây quần, ấm cúng. Thế nên, nhiều gia đình Hà Nội, trong đó có nhà tôi - từ thế hệ này đến thế hệ khác, vẫn cứ đều đặn nấu nồi nước mùi già ngày Tết cho mùi hương đậm đà ký ức trở về ấm áp, bình yên trong hiện tại.
Quen rồi, nên ngày 29, 30 Tết năm nào mà chưa có nồi nước mùi già thơm sực từ bếp ra phòng khách, là cứ thấy nao nao như thiếu cái gì đó, thấy như còn một nỗi nhớ chưa bao giờ phôi phai… Bởi hương mùi già chính là hương của Tết, hương của sum vầy và đoàn tụ.
Tôi vẫn nhớ như in những năm tháng cũ, bà nội nấu nồi nước mùi già thơm nức bốn bề, thơm cả ra ngoài hiên nhà. Bà múc những bát nước đầu tiên để lau ban thờ, cẩn thận và thành kính như sự mẫu mực, trên dưới, hiếu lễ vốn dĩ của người Hà thành bấy lâu. Sau đó thì nước mùi già “hóa thành” nước gội đầu, nước tắm cho các thành viên trong gia đình, nhất là lũ trẻ nhỏ.
Tôi nhớ, bà và mẹ đun thật nhiều nước mùi già, có lúc còn cho thêm vỏ bưởi và lá sả để tắm gội cho con cháu với hi vọng gột rửa những điều chưa may mắn trong năm cũ, mong một năm mới thật nhiều bình an. Bà và mẹ còn dành một ít nước mùi già để sáng sớm mồng Một, cả nhà rửa mặt… Hương mùi già thanh khiết vì thế cứ yên bình tỏa hương dịu nhẹ trong nhà suốt mấy ngày Tết, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng, thư thái, không còn những tất bật, lo âu của đời thường náo nhiệt.
Tôi vẫn nhớ lần ra ngoại thành những ngày áp Tết, gặp những khóm mùi già trổ bông trắng li ti, nhụy lại như những bông hoa nhỏ xíu, phơn phớt tím hồng. Nghe nói, những người trồng rau thường bớt lại ở luống những cây mùi to, khỏe để chúng mọc cao lên rồi ra hoa kết quả như thế. Nhìn những chấm hoa tí xíu màu trắng tím “đậu” trên thân mùi mảnh mai, len lén tỏa hương giữa thảm lá xanh mướt mà thấy mong manh, dịu dàng đến lạ. Mong manh thế mà đủ sức để làm thành một nỗi nhớ thương, một hương vị Tết không ai muốn lãng quên.
Những ngày này, mùi già đã lại lao xao trong lòng phố. Xưa là gánh mùi già, thì nay có những xe chở mùi già như những xe hoa long rong trong phố, trong chợ. Mùi già có mặt trong chợ Tết, vào cả những ngõ nhỏ phố nhỏ Hà thành, thấp thoáng trong chiếc làn đi chợ của các bà các mẹ, bước cả lên ô tô theo chân người đô thị về nhà… Giữa bạt ngàn các loại hoa, đào, quất, rau củ quả… mùi già vẫn là thứ người đô thị nhón tay nhặt lấy vài nắm, mà cả người bán lẫn người mua đều vui vẻ, không mặc cả cũng không thêm bớt.
Đồng điệu cùng nhịp sống
Mùi già gói ghém hương vị ký ức, là nỗi nhớ thương dai dẳng của thế hệ 7x, 8x trở về trước, nhưng mùi già cũng đã “bắt nhịp” với cuộc sống hôm nay, đồng điệu với nhịp phố phường hiện đại.
Tôi đã thấy nhiều người, trong đó có cả tôi, tìm mua những bó mùi già về, cẩn thận cắt tỉa rồi cắm thành những bình hoa trang trí cho không gian sống những ngày mùa Xuân mang Tết về. Những bình hoa mùi nhỏ xinh ấy, còn trở thành một phần của design trang trí của không ít quán cà phê những ngày áp Tết. Mảnh mai lắm, nhưng nồng ấm và thanh khiết nhẹ nhàng khôn tả.
Tôi cũng đã thấy những lọ tinh dầu mùi già được bày bán ở những cửa hàng trong lòng phố. Hỏi ra mới biết, nhiều cơ sở sản xuất thức thời đã thu mua cả cánh đồng trồng mùi của nông dân rồi chưng cất, bảo quản trong lọ. Có cơ sở sản xuất còn dùng tinh dầu mùi già ấy làm thành những bánh xà phòng, lưu hương suốt cả năm.
Ai đó so sánh những “hơn thua” giữa hương mùi già chưng cất và hương mùi già tỏa ra từ nồi nước nấu trên bếp. Nhưng rõ một điều là hương vị ký ức đã tìm thấy một cách để trở về và sống trong nhịp điệu hối hả của cuộc sống công nghiệp. Lại chợt nhớ cách mẹ thương nhớ hương vị mùi già: “Dù bây giờ có bao nhiêu thứ nước hoa, nước thơm hay sữa tắm đủ các mùi, nhưng chắc chắn không thể sánh bằng thứ hương thơm thiên nhiên của cây mùi già”. Cũng bởi, mùi già mang theo hương vị Tết đoàn viên ấm áp và bình yên. Thế nên để lưu giữ “mùi Tết” ấy, nhiều người bận rộn hay những người đi xa quê cứ chọn tinh dầu, xà phòng mùi già để chở Tết về nhà và lưu hương ký ức…
Dẫu vậy, nhiều người vẫn cứ ưa nấu nồi nước mùi già hơn là chế nước tắm từ lọ tinh dầu chưng cất dù sống bao năm giữa chốn đô hội này. Nghĩa là mùi già vẫn có một chỗ đứng nhất định trong đời sống, bằng cách này hay cách khác, bởi nó là hương vị của Tết đoàn viên, của thanh khiết, của bình yên.
Nhưng cũng phải nói rằng, những điều thuộc về phong tục, truyền thống của ngày Tết Nguyên đán không tự nhiên được kế thừa, lưu giữ, nối truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó chắc chắn phải là sự tiếp nối có ý thức khi ông bà, cha mẹ cùng cho con cháu được trải nghiệm nét đẹp truyền thống với vai trò người kể chuyện, người kết nối quá khứ - hiện tại. Hương vị mùi già cũng vậy thôi, sẽ đi vào tiềm thức của người đương thời, của thế hệ sau này và trở thành hành trang cuộc sống, khi cứ được lưu hương, lưu nỗi nhớ thương mỗi độ Tết đến, Xuân về.
Tết đã ở bên thềm nhà và mùi già đã tái ngộ người Hà thành. “Đoạn đời” mùi già chỉ ngắn ngủi chưa đầy tháng, nhưng đến hẹn lại lên, đã kết thành hương thơm lưu luyến bao thế hệ. Nó góp phần làm nên một cái Tết trọn vẹn, đủ cả hương vị lẫn dư âm. Hương mùi già có tẩy hết muộn phiền, xui xẻo của năm cũ, mang may mắn, an vui của năm mới đến hay không? Chẳng ai dám chắc, nhưng những niềm vui và sự kết nối gia đình, kết nối thế hệ là có thật vì luôn được đánh thức trong hương vị của Tết đoàn viên.