Nát đê vì xe quá tải

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng xe quá tải đi trên đê đang khiến kết cấu nhiều tuyến đê trên địa bàn Hà Nội bị xuống cấp nghiêm trọng.

Kéo theo đó là nỗi lo mất an toàn đê điều khi mùa mưa bão đang tới gần.
Nguy cơ phá vỡ kết cấu đê
Là một trong những địa phương có tuyến đê sông Hồng chạy qua dài nhất, nhưng hiện trạng mặt đê đoạn qua huyện Ba Vì đang rất đáng lo ngại. Đi dọc tuyến đê hữu Hồng, không khó để thấy những điểm mặt đê bị sụt lún, rạn nứt. Nhiều điểm trên bề mặt tuyến đê bị xe quá tải cày nát, khoét sâu tạo thành những ổ gà, ổ trâu. Thống kê của Phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho thấy, dọc tuyến đê hữu Hồng qua địa bàn huyện hiện có khoảng 30 điểm mặt đê bị xuống cấp nghiêm trọng, tập trung chủ yếu tại các xã: Chu Minh, Đông Quang, Cam Thượng.
Không chỉ ở huyện Ba Vì, khi chạy xe dọc tuyến đê tả Hồng đoạn qua địa phận các huyện Đông Anh, Mê Linh, đê hữu Đuống đoạn qua huyện Gia Lâm hay đê sông Đáy chạy men theo một số làng nghề của huyện Hoài Đức cũng dễ dàng bắt gặp tình trạng mặt đê bị hư hỏng ngày một trầm trọng.

Hoạt động của xe quá tải ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết cấu đê. Ảnh: Trọng Tùng

Theo các cơ quan chuyên môn, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc mặt đê bị hư hỏng như kết cấu đê không đồng nhất, mặt đê không được duy tu thường xuyên, xuống cấp theo thời gian... Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp là tình trạng hoạt động của xe quá tải. Theo thống kê, có tới vài chục bến bãi có hoạt động ra vào và xe quá tải đi trên đê. Đây có thể coi là nguyên nhân lớn nhất khiến bề mặt nhiều tuyến đê bị hư hỏng ngày một nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tới việc đi lại  của cư dân các địa phương ven sông mà nghiêm trọng hơn là còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng chống lụt bão.
Điều đáng nói, nhiều tuyến đê khô trên địa bàn TP qua thời gian dài không được “thử thách” với mưa lũ lớn, nên khả năng chống chịu với thiên tai ngày một suy giảm. Đây thực sự là mối lo ngại lớn đối với công tác phòng chống lụt bão của Hà Nội, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp.
Cần giải pháp đồng bộ
Tình trạng xe quá tải chạy trên đê có liên quan mật thiết với hoạt động của các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng. Do đó, quản lý chặt chẽ hoạt động của các bến bãi là một trong những giải pháp cần thiết. Trung tá Trần Xuân Thành - Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế (Công an TP Hà Nội) cho rằng, bên cạnh tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm hành lang ven sông, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý hộ khẩu, giám sát quá trình hoạt động của các tổ chức, đơn vị tới sản xuất, kinh doanh tại những khu vực ven sông. Đây là phương cách nhằm quản lý có hiệu quả ngay từ đầu hoạt động bất hợp pháp của các chủ bến bãi, qua đó, giảm thiểu tình trạng xe quá tải hoành hành trên đường đê.
Hiện nay, phần lớn các tuyến đê trên địa bàn TP vẫn cho phép xe có tải trọng không quá 10 tấn qua lại. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, rất nhiều chủ xe đã cơi nới thùng bệ để chở hàng hóa nặng gấp 3 - 4 lần khối lượng được phép. Vì vậy, lãnh đạo một số địa phương đề nghị, Sở GTVT Hà Nội cần kiểm soát nghiêm ngặt ngay từ khâu đăng kiểm, đăng ký kinh doanh đối với các chủ phương tiện.  
Bên cạnh những giải pháp nhằm kiểm soát hoạt động, lưu lượng cũng như khối lượng vận chuyển của xe quá tải đi trên đê, một giải pháp được ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội) đưa ra là cắm mốc hạn chế tải trọng phương tiện. Bởi trong điều kiện TP chưa thể đầu tư nguồn ngân sách lớn để nâng cấp hệ thống đê bao, xây dựng đường gom chân đê, cắm mốc hạn chế tải trọng sẽ là “biện pháp cưỡng bức” phù hợp, có hiệu quả tức thời trong nỗ lực ngăn chặn xe quá tải, bảo vệ kết cấu đê cũng như an toàn phòng chống lụt bão.

Theo thống kê của Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội), trong số 187 bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng dọc các tuyến sông trên địa bàn TP, có tới 83 bến bãi có hoạt động ra vào và xe quá tải đi trên đê.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần