NATO khó vẹn đôi đường

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị cấp cao tới đây tổ chức tại thủ đô Warsaw của Ba Lan sẽ là dấu mốc, thậm chí cả bước ngoặt quan trọng mới đối với Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong bối cảnh tình hình chính trị an ninh hiện tại ở châu Âu, đặc biệt trước mức độ căng thẳng và đối địch giữa Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và NATO với Nga, việc lựa chọn Ba Lan làm nơi tổ chức hội nghị cấp cao này thể hiện chủ ý của NATO dành trọng tâm hàng đầu và ưu tiên cao nhất cho việc xử lý mối quan hệ với Nga.
Trụ sở NATO và cờ các nước thành viên NATO tại Brussels (Bỉ)
Trụ sở NATO và cờ các nước thành viên NATO tại Brussels (Bỉ)
Cứ theo những chuẩn bị đến nay của NATO cho hội nghị cấp cao này thì tại đó, NATO sẽ quyết định chiến lược mới đối với Nga mà định hướng chính là vừa tăng cường đối phó Nga, vừa để ngỏ khả năng đi vào hòa dịu với Nga. Những quyết sách được bàn thảo để thông qua ở hội nghị như triển khai thêm binh lính của NATO ở những nước thành viên NATO tại vùng láng giềng xung quanh Nga, hay tăng ngân sách quân sự và quốc phòng ở các nước thành viên đều dựa trên sự nhìn nhận Nga là đối thủ phải đối phó nhiều hơn là đối tác cần hợp tác, là mối đe dọa an ninh trực tiếp như ở thời chiến tranh lạnh chứ không phải cùng hội cùng thuyền vì hòa bình, an ninh và hợp tác ở châu Âu. Cho nên chiến lược của NATO là tăng cường tiềm lực quân sự và bố trí chiến lược lại ở châu Âu để đối phó và răn đe Nga.

Nhưng vì đồng thời ý thức được rằng không có Nga thì NATO không thể giải quyết được nhiều vấn đề đang đặt ra ở châu Âu và Mỹ không thể giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra trên thế giới về hòa bình và chiến tranh, nội chiến và xung đột, an ninh và ổn định nên NATO phải chủ ý giữ dư địa cho việc đi vào hòa giải và hòa dịu với Nga khi điều kiện cho phép. Việc NATO mời chào Nga nối lại hoạt động của Hội đồng NATO - Nga là biểu hiện rõ nét nhất. Nga cũng có nhu cầu hòa dịu và hòa giải với NATO, nhưng giữ thế và thể diện nên cũng vận dụng đối sách tương tự như NATO. Thách thức lớn đối với NATO là hài hòa được cả hai định hướng này do các thành viên NATO có lợi ích khác nhau trong quan hệ với Nga.