Nghị định thư được ký trong ngày 5/7 tại Brussels sẽ chính thức khởi động tiến trình xét duyệt đơn xin gia nhập khối quân sự NATO của Phần Lan và Thụy Điển.
Trước đó, tại cuộc họp Thượng đỉnh NATO diễn ra trong tuần trước tại Tây Ban Nha, các nước thành viên NATO đã chính thức gửi lời mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự, sau khi rào cản cuối cùng là sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ được gỡ bỏ.
Tiến trình phê chuẩn Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO sẽ phụ thuộc vào mỗi quốc gia thành viên NATO và thường kéo dài từ 8 đến 12 tháng. Việc 2 quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO được cho là sự kiện có tính bước ngoặt, tạo nên thay đổi về cấu trúc an ninh lớn nhất tại châu Âu kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, và được xem là một trong những hệ quả trực tiếp của cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba ngày 4/7 cho biết ông không nhận thấy NATO sẽ thay đổi lập trường về việc kết nạp Kiev trong tương lai gần.
"Ukraine vẫn theo đuổi sự hội nhập với châu Âu - Đại Tây Dương nhưng tôi không nhận thấy triển vọng trong tương lai gần rằng NATO sẽ thay đổi lập trường như Liên minh châu Âu (EU), và tiến hành những bước đi cụ thể để đảm bảo sự gia nhập của Ukraine trong tổ chức này" - ông Kuleba trả lời truyền thông địa phương.
"Ngày 24/2, NATO đi trước EU trong việc này bởi họ đã quyết định Ukraine cuối cùng sẽ trở thành thành viên của liên minh. Nhưng 4 tháng trôi qua, EU đã vượt qua NATO, đưa quy trình này sang giai đoạn thứ hai trong khi NATO vẫn dậm chân tại chỗ" - ông Kuleba nói thêm.
Triển vọng Ukraine gia nhập NATO đã càng trở nên mong manh hơn khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi giữa tháng 3 nói rằng Kiev nên chấp nhận thực tế: "Ukraine không phải là thành viên NATO. Chúng tôi hiểu điều đó. Chúng tôi đã nghe nhiều năm rằng cánh cửa này vẫn để ngỏ nhưng chúng tôi cũng nghe rằng chúng tôi không thể gia nhập. Đó là sự thật và cần phải thừa nhận".