NATO sẵn sàng can thiệp nếu căng thẳng ở Kosovo leo thang

Thu Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết khối quân sự này đã tăng cường lực lượng gìn giữ hòa bình ở Bắc Kosovo.

Belgrade và Pristina (thủ phủ của Kosovo) sẽ có các cuộc đàm phán mới trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.

Các nhà hòa giải của EU đang hy vọng làm giảm căng thẳng ở Tây Balkan sau tình trạng bất ổn ở miền Bắc Kosovo. Hôm thứ 17/8, Jens Stoltenberg đã gặp Thủ tướng Kosovo Albin Kurti và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tại Brussels.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (bên phải) phát biểu trong cuộc họp báo cùng với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: DW
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (bên phải) phát biểu trong cuộc họp báo cùng với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: DW

Tại cuộc họp báo chung với Tổng thốngAleksandar Vucic, Jens Stoltenberg nói rằng NATO đã chuẩn bị triển khai lực lượng bổ sung và đã tăng cường sự hiện diện của mình ở Kosovo. Ông nói: "Chúng tôi hiện có một sứ mệnh quan trọng, sự hiện diện quân sự ở Kosovo với gần 4.000 quân.

Ông nói thêm rằng, lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở Kosovo (KFOR) đã sẵn sàng can thiệp "nếu sự ổn định bị đe dọa. Lực lượng này "sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết để đảm bảo một môi trường an toàn, an ninh và quyền tự do đi lại cho tất cả người dân Kosovo".

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic phủ nhận rằng Belgrade đang lên kế hoạch "bất kỳ hình thức xâm lược nào", nhấn mạnh rằng quân đội và cảnh sát Serbia đã không vượt qua ranh giới hành chính phân chia lãnh thổ do Belgrade và Pristina kiểm soát. Ông nói thêm rằng, Belgrade sẽ tiếp tục tôn trọng nhiệm vụ của KFOR phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, vị tổng thống này cho rằng cuộc đàm phán với Pristina sẽ rất khó khăn vì hai bên “bất đồng về hầu hết mọi thứ”.

Khi được hỏi về những lo ngại của phương Tây rằng Nga có thể mở căn cứ quân sự ở Serbia, Vucic nói rằng Serbia "không cần căn cứ quân sự của bất kỳ ai" và nhắc lại sự không liên kết quân sự của Belgrade, N1 đưa tin.

Thủ tướng Kosovo Albin Kurti nói rằng Chính phủ Kosovo luôn hướng về các giá trị của Euro - Đại Tây Dương và cảm ơn NATO vì sự hiện diện và vai trò của NATO ở Tây Balkan trong 23 năm qua, trang web Kossev của Kosovo đưa tin.

Thủ tướng Kosovo cáo buộc Belgrade đứng đằng sau"các băng nhóm bất hợp pháp" gây ra các vụ lộn xộn mới đây. Ông nhấn mạnh rằng Pristina sẽ thể hiện "không khoan nhượng đối với tội phạm".

Ông nói rằng cảnh sát Kosovo đã bắt giữ "hàng chục tên tội phạm", không đối xử khác biệt với tội phạm theo nguồn gốc dân tộc của họ. Lãnh đạo Kosovo cũng lập luận rằng Belgrade đã đồng ý ngừng sản xuất biển số xe cho người Serb ở Kosovo - một điểm gây bất đồng sâu sắc trong cuộc đối đầu mới nhất giữa Belgrade và Pristina.

Kosovo, quốc gia có đa số dân là người Albania, tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008. Belgrade vẫn coi Kosovo là một tỉnh của Serbia và duy trì một mức độ kiểm soát đối với các khu vực có đa số người Serb ở phía Bắc Kosovo.

Đợt căng thẳng mới nhất giữa Serbia và Kosovo bắt đầu vào tháng trước khi Pristina tuyên bố rằng biển số xe của Serbia sẽ không còn hợp lệ trên lãnh thổ Kosovo và những người nhập cảnh vào Kosovo với căn cước Serbia sẽ cần phải có thêm giấy nhân thân tạm thời do Kosovo cấp. Thủ tướng Kosovo Albin Kurti sau đó đã hoãn việc thực hiện biện pháp này đến đầu tháng 9 do áp lực của phương Tây.

Các thành viên thiểu số Serb của Kosovo dựng rào chắn, hú còi báo động và nã súng chỉ thiên để phản đối kế hoạch nói trên.

Pristina cáo buộc Serbia xúi giục bạo loạn. Đổi lại, các quan chức Serbia cáo buộc Kosovo đang lên kế hoạch cho một "cuộc tấn công" người thiểu số Serb của mình.

Đầu tháng này, chính quyền Kosovo đã đóng cửa hai cửa khẩu biên giới vào Serbia.