Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nấu cơm nuôi trò, phụ đạo miễn phí

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trường Trung học phổ thông Tả Sìn Thàng thuộc xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa, là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung.

rò tăng cường ca ba, thầy phụ đạo miễn phí, cô đi chợ nấu cơm trưa cho học sinh ở lại trường học tiếp buổi chiều… Thầy và trò vùng khó đang tích cực ôn tập tối đa dù kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông còn hai tháng nữa mới diễn ra.

Phụ đạo ca ba miễn phí

Trường Trung học phổ thông Tả Sìn Thàng thuộc xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa, là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung.

Nấu cơm nuôi trò, phụ đạo miễn phí - Ảnh 1
Học sinh ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh minh họa: Phạm Mai/Vietnam+)

Hiệu trưởng nhà trường, thầy Nguyễn Hồng Sơn, cho biết, 100% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông, điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, có học sinh mới cấp 3 nhưng đã xây dựng gia đình. Vì thế, so với mặt bằng chung, lực học của các em tương đối kém.

Do đó, năm nào việc ôn thi tốt nghiệp cũng phải được trường lên kế hoạch từ… đầu năm học với hai bước. Bước một thực hiện khi chưa biết cụ thể các môn sẽ thi, ôn ba môn cơ bản là văn, toán, ngoại ngữ. Bước hai được thực hiện sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chính thức 6 môn thi, ôn thêm ba môn còn lại, năm nay là các môn địa lý, hoá học và sinh học.

Là trường vùng sâu vùng xa, địa hình miền núi chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên đa số học sinh phải ở bán trú, giáo viên cũng ở nội trú tại trường. “Đây là khó khăn, nhưng cũng là lợi thế vì việc ôn tập cho học sinh được tập trung hơn, có thể tăng ba ca,” thầy Sơn cho biết.

Cụ thể, buổi sáng học sinh vẫn học theo chương trình chung của Bộ, buổi chiều trường tổ chức các lớp ôn tập môn thi tốt nghiệp. Buổi tối, học sinh tiếp tục lên lớp nhưng theo hình thức tự học, có các thầy cô giáo thuộc 6 môn thi trực tiếp hướng dẫn và giải đáp các thắc mắc khi học sinh yêu cầu.

“Mức học phí cho giờ ôn buổi chiều chỉ mang tính tượng trưng với 1.500 đồng mỗi tiết, còn buổi tối thì hoàn toàn miễn phí,” thầy Sơn chia sẻ.

Để ôn tập hiệu quả cho học trò, Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Sơn đã phải cử giáo viên của trường đến học hỏi kinh nghiệm ở các trường bạn.

Vài năm trước đây, tỉnh Điện Biên có chủ trương tăng cường thầy cô ở vùng thuận lợi lên trường vùng khó mỗi mùa thi đến. Tuy nhiên, theo thầy Sơn, vì giáo viên trường khác đến chỉ dạy ít buổi, lại không hiểu được học sinh của trường đang thiếu kiến thức ở phần nào nên không đem lại hiệu quả mong đợi.

"Vì thế, thay vì đón giáo viên về, trường Tả Sìn Thàng cử thầy cô đến trường bạn học hỏi, đem kinh nghiệm về áp dụng linh hoạt vào thực tiễn trường mình, vừa giúp được học sinh, vừa giúp nâng cao trình độ giáo viên," thầy Sơn nói.

Giống như trường Tả Sìn Thàng, trường Trung học phổ thông Mường Nhé cũng thuộc một trong 62 huyện nghèo nhất của nước, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Huy Văn hài hước bảo: “Nếu các tỉnh miền xuôi lọc học sinh yếu gom vào một lớp để phụ đạo tăng cường thì ở đây, phải gom… cả trường vì toàn con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn, học lực kém.”

Cũng theo vị hiệu trưởng này, mặc dù là vùng khó khăn nhưng năm 2012, trường cũng đạt tỷ lệ tốt nghiệp trên 87%, với 54/62 em.

“Năm nay, chúng tôi cũng cố gắng giữ vững tỷ lệ này hoặc nâng cao hơn nữa,” thầy Văn nói.

Nấu cơm nuôi trò

Tại trường Trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa, huyện Tam Bình, tỉnh Quảng Nam, việc ôn thi tốt nghiệp cho học sinh cũng được các thầy cô lên kế hoạch chuẩn bị từ đầu năm học với 8 môn; trong đó ba môn toán, văn, ngoại ngữ là chủ yếu, các môn hoá, sinh, sử, địa, vật lý ôn tập luân phiên vì chưa biết sẽ thi môn nào.

Theo thầy Hiệu trưởng Trần Công Danh, hiện chương trình dạy đang ở tuần thứ 32, còn khoảng 3 tuần nữa sẽ kết thúc. Từ cuối tháng 4, trường tập trung chỉ ôn các môn thi tốt nghiệp, cả sáng và chiều.

Học ôn thi cả ngày nên nhiều học sinh nhà xa phải ở lại trường. Kinh tế khó khăn, nhiều em phải mang cơm nắm, muối vừng hay ăn ổ bánh mỳ lót dạ. Nhìn những học trò đang tuổi ăn tuổi lớn với bữa trưa đạm bạc, không thể cầm lòng, các thầy cô giáo trong trường Trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa đã tự đóng góp tiền, tự lên kế hoạch nấu bữa trưa cho học trò. Mỗi sáng, cô dậy sớm đi chợ, thầy xách nước nấu cơm, đến tiết thì lên lớp, trống tiết thì lại xuống bếp nhặt rau, vo gạo, chuẩn bị bữa trưa cho học trò.

Mùa thi tốt nghiệp năm 2013 là năm thứ 6 các thầy cô trường Trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa triển khai hoạt động đầy tính nhân văn này. “Việc nấu ăn sẽ được thực hiện từ cuối tháng 4 tới,” thầy Danh cho biết.

Cũng theo thầy Danh, từ chỗ chỉ giáo viên trong trường tham gia đóng góp, đến nay việc nấu ăn trưa cho học sinh đã được rất nhiều cá nhân, tổ chức hưởng ứng. Mỗi năm, các mạnh thường quân đóng góp khoảng 30 triệu, có năm lên đến 40 triệu đồng. Vì thế, số học sinh được ăn trưa cũng tăng lên, từ chỗ chỉ vài chục, nay đã lên trên 100 em.

Danh sách học sinh khó khăn, nhà nghèo, ở xa, được các giáo viên chủ nhiệm đề xuất, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng.

Được hỗ trợ về tài chính, nhưng công việc nấu nướng, bếp núc vẫn do các thầy cô giáo trong trường tự tay đảm nhiệm. Tuy vất vả hơn, phải dậy sớm, cân đo tính toán, nhưng các thầy cô giáo vẫn rất nhiệt tình, nhất là các công đoàn viên trẻ.

“Hoạt động này không chỉ giúp học sinh nghèo có bữa ăn trưa đảm bảo mà còn là món quà tinh thần, khích lệ các em học tập tốt. Hơn nữa, đây cũng chính là sợi dây tình cảm gắn kết giữa thầy và trò, giữa chính các giáo viên trong trường để tạo thành một tập thể đoàn kết, thân ái, một mái nhà chung cho cả giáo viên và học sinh,” thầy Danh chia sẻ.

Và có lẽ cũng chính vì nhiều ý nghĩa nhân văn đó mà các trường trung học phổ thông ở huyện Tam Bình, tỉnh Quảng Nam đã học tập theo mô hình này, để mỗi mùa thi đến, các bếp ăn của trường lại đỏ lửa, làm ấm lòng những học sinh nghèo.