Ngày 5/11, NCIF phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) tổ chức diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững”.
Ảnh minh hoạ |
Theo nhóm nghiên cứu của NCIF, kinh tế quý IV/2021 khó có khả năng phục hồi nhanh, tăng trưởng quý IV/2021 sẽ dao động từ 2,02 - 3,17% và cả năm sẽ đạt 1,9% (kịch bản khả quan), 1,52% (kịch bản cơ sở). Trong trường hợp phục hồi chậm và nhiều tình huống xấu do kiểm soát dịch bệnh, kinh tế 2021 có thể tăng trưởng ở mức khoảng 0,43%.
TS Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế ngành (NCIF) cho rằng, bên cạnh cơ hội “bắt nhịp” với đà phục hồi của kinh tế thế giới, dòng đầu tư FDI, triển vọng thương mại từ các FTA và đặc biệt là sự chuyển hướng trong kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam, tăng trưởng quý IV/2021 và thời gian tới sẽ đối mặt với 6 yếu tố bất định. Đó là: Rủi ro từ biến động giá cả thế giới, sự leo thang của chi phí logistics và định hình chuỗi ngày càng gia tăng, sự chuyển dịch các dòng vốn trong nước, nguy cơ nợ xấu, áp lực ngân sách và phục hồi lao động.
Trước triển vọng khó có thể phục hồi nhanh trong quý IV/2021 cũng như đầu năm 2022, đại diện NCIF cho rằng nền kinh tế rất cần biện pháp cấp bách, nhất là các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, để đảm bảo khơi thông được những tắc nghẽn trong nền kinh tế. “Đợt dịch lần thứ 4 cũng đã bộc lộ rất nhiều vấn đề trong phân cấp, quản lý điều hành cũng như sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân trong đại dịch”, ông Trần Toàn Thắng nhận định.
Sang năm 2022, tùy vào bối cảnh thuận lợi cả trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu của NCIF dự báo tăng trưởng GDP vào khoảng 5,8% (kịch bản cơ sở), và có thể cán mốc 6,7% nếu các yếu tố hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi trở lại của nền kinh tế. Về lạm phát, NCIF dự báo năm 2021 sẽ dao động từ 2 – 2,5% và năm 2022 có thể lên tới 4%.