Nên bắt buộc học môn Công dân với Tổ quốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT), Công dân với Tổ quốc sẽ là một trong 4 môn học bắt buộc.

Rất nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi: Có nhất thiết phải như vậy?
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
Tên dài và mang tính bắt buộc

Với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, từ cấp tiểu học đến THPT, học sinh (HS) đã được học các nội dung về tình yêu gia đình, Tổ quốc… thông qua những môn học như Đạo đức, Giáo dục công dân. Cùng với đó là các bài học khác trang bị nhiều kiến thức cơ bản để sau khi tốt nghiệp THPT, HS ra đời hòa nhập được với thế giới bên ngoài. Bởi thế nhiều người cho rằng, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp không cần thiết phải có môn học bắt buộc Công dân với Tổ quốc song hành cùng Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ 1.

Nhận xét về tên gọi của môn học này, GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Tôi không thích tên gọi Công dân với Tổ quốc. Tôi nghĩ cái tên Giáo dục công dân là đủ. Tôi đã góp ý với Ban soạn thảo nhưng họ thích gọi tên mới lạ như thế”. Cũng có nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của GS Nguyễn Minh Thuyết bởi tên gọi mới hơi dài. Điều mà những người quan tâm đến giáo dục mong muốn là tên gọi của môn học tạo cho HS sự phấn khởi khi khám phá những nội dung môn học.

Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, ngoài Tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Công dân với Tổ quốc phải là môn học bắt buộc bởi nó gắn liền với xã hội. Hiện chưa có chương trình cụ thể của môn học này, nên không thể có ý kiến cụ thể. Từ trước đến nay, lớp 1 - 12 đã có môn Đạo đức, Giáo dục công dân. Chương trình hiện hành ở cấp THPT, các em được trang bị kiến thức về pháp luật, kinh tế, chính trị, triết học, tổ chức Liên Hợp quốc… nên đây là môn rất quan trọng với HS. “Hiện chưa biết môn Công dân với Tổ quốc có những nội dung gì, nhưng tôi chắc chắn sẽ phải có nhiều nội dung về pháp luật, nghĩa vụ của người công dân với gia đình, xã hội và đất nước. Và môn này cũng trang bị cho các em kỹ năng giao tiếp, tình cảm, phẩm chất cần có của một người công dân như trung thực, có phẩm chất đạo đức, sự bao dung, tôn trọng pháp luật…” - PGS Văn Như Cương bày tỏ.

Phải là môn xương sống

Trao đổi về bốn môn học bắt buộc, TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng khẳng định, Công dân với Tổ quốc phải là môn chính: “Đây là bộ môn xương sống để giáo dục phẩm chất và đạo đức của HS nhưng gắn với thực tiễn. Thông qua môn học này, các em sẽ học thêm một số chương trình về pháp luật, kinh tế, quản lý xã hội… Nói tóm lại, môn học này có những kiến thức mà không thể xếp được vào các môn học khác để trang bị cho HS”.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, môn học Giáo dục công dân có các bài học về giáo dục đạo đức, có một phần triết học, kinh tế chính trị, nghĩa vụ công dân… nhưng nội dung tương đối nặng. Một chuyên gia giáo dục còn thẳng thắn phê phán việc đưa Triết học vào chương trình THPT. Bởi theo ông, nhiều sinh viên năm thứ nhất đại học đau đầu vì phải học những khái niệm rất trừu tượng, rất khó nhớ như vật chất có trước, tinh thần có sau; lượng đổi thành chất, chất đổi thành lượng… huống hồ HS cấp 3. Do đó, đưa kiến thức gì vào chương trình môn học Công dân với Tổ quốc cần phải nghiên cứu kỹ và phải là những nội dung thiết thực. Đặc biệt, nội dung trong môn học này phải gắn liền với những yếu tố thời sự, xuất phát từ thực tế đang xảy ra (giữ gìn chủ quyền biển đảo của Việt Nam, bảo vệ môi trường...).

Với tên gọi mong muốn là Giáo dục công dân, GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị nên đưa nội dung văn bản luật vào để dạy, vì vi phạm pháp luật của người trẻ có chiều hướng gia tăng. Trong đó có nhiều trường hợp là do thiếu hiểu biết về pháp luật, do không tự vệ được. “Chúng ta không giảng dạy dông dài mà cụ thể về luật, nhất là một số luật quan trọng. Và đã dạy thì phải có thi, nếu không HS sẽ không học. Chẳng hạn, môn Ngữ văn hiện có 3 phần gồm: Tiếng Việt, Tập làm văn và Văn. Về cơ bản các trường THPT bỏ ngay phần Tiếng Việt vì nội dung này không bao giờ có trong bài thi; phần Tập làm văn được dạy kỹ thuật văn thông qua phân tích một số đề; còn lại tập trung vào dạy Văn” – GS Nguyễn Minh Thuyết đề xuất.

Cùng với việc góp ý cho nội dung môn học này, các chuyên gia cũng băn khoăn: Bao giờ mới xong thiết kế chương trình từng môn học, trong khi Dự thảo chương trình tổng thể đã mất 3 năm xây dựng. PGS Văn Như Cương đề nghị Bộ GD&ĐT đã đề ra kế hoạch thì phải thực hiện đúng, nếu cảm thấy không kịp phải báo trước. Việc Bộ đưa hạn ngạch một tháng để mọi người góp ý cho Dự thảo chương trình sẽ không thể kịp. Với các công đoạn như lấy ý kiến, nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, hoàn thiện ít nhất cũng phải mất vài tháng mới xong.