KTĐT - Theo Bộ Y tế, kẽm là một vi chất rất quan trọng cho sức khoẻ và sự phát triển của trẻ em. Kẽm cũng có vai trò rất quan trọng cho hệ thống miễn dịch của trẻ.
Kẽm có tác dụng phục hồi biểu mô ruột, giảm độ nặng của tình trạng tiêu chảy. Vì thế điều trị tiêu chảy phải bổ sung kẽm. Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy nên bổ sung oresol có độ thẩm thấu thấp sẽ hiệu quả hơn dùng oresol trước đây.
Đó là khuyến cáo mới nhất trong hướng dẫn về xử trí tiêu chảy ở trẻ em mà Bộ Y tế vừa ban hành, công bố rộng rãi ở tất cả các tuyến bệnh viện để hướng dẫn bác sĩ thực hiện theo những điểm mới này, giúp người bệnh tiêu chảy nhanh hồi phục hơn.
Theo Bộ Y tế, kẽm là một vi chất rất quan trọng cho sức khoẻ và sự phát triển của trẻ em. Kẽm cũng có vai trò rất quan trọng cho hệ thống miễn dịch của trẻ. Hơn nữa, nó có tác dụng tốt trong việc hồi phục biểu mô ruột, vì thế, việc bổ sung kẽm trong tiêu chảy ở trẻ em là rất cần thiết. Các nghiên cứu đều đã chứng minh, khi bệnh nhân bị tiêu chảy mà được bổ sung kẽm sẽ làm giảm thời gian tiêu chảy, giảm số lượng phân, giảm mức độ nặng và giảm thời gian mắc bệnh so với những người bị tiêu chảy mà không dùng kẽm. Chưa kể, việc dùng kẽm trong dự phòng, bổ sung đủ kẽm cũng làm giảm tỷ lệ tiêu chảy. Vì thế, việc điều trị tiêu chảy cho người bệnh sẽ bắt buộc phải bổ sung kẽm.
Điểm mới thứ hai trong hướng dẫn này, đó là cần cho bệnh nhân sử dụng oresol có độ thẩm thấu thấp sẽ hiệu quả hơn so với oresol cũ trước đây. Dung dịch oresol (mới) có nồng độ natrichlorid 2,6g/l; glucose 13,5g/l và có tổng độ thẩm thấu (245mOsm/l), trong khi đó dung dịch oresol (cũ) có nồng độ natrichlorid 3,5g/l; glucose (20g/l) và tổng độ thẩm thấu (311mOsm/l). Do oresol mới có nồng độ thẩm thấu thấp sẽ làm giảm số lần đi ngoài, giảm số lượng phân và giảm được tình trạng nôn. Còn oresol cũ trước đây có độ thẩm thấu cao so với huyết tương nên có thể gây tăng natri máu, đồng thời gia tăng khối lượng phân thải ra, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Đặc biệt, Bộ Y tế khuyến cáo để phòng tiêu chảy trẻ em, trẻ nên được uống vắc xin Rotavirus theo đúng độ tuổi hướng dẫn. Vì Rotavirus là tác nhân gây tiêu chảy cấp nặng thường gặp nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Các bà mẹ có con dưới 6 tháng tuổi nên đưa trẻ đi uống vắc xin để ngăn ngừa trẻ khỏi sự tấn công của Rotavirus. Phác đồ chủng ngừa bao gồm 2 liều vắc xin uống, sử dụng cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi, khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều vắc xin là 1 tháng.
Sụt giảm gần 25% tỉ lệ sử dụng muối iốt
Năm 2005 tỉ lệ phủ muối iốt toàn quốc đạt hơn 93% nhưng đến năm 2008-2009 chỉ còn 69,5%. Đặc biệt tại Hà Nội tỷ lệ sử này giảm xuống còn 25%.
Tình trạng thiếu i-ốt ở thai phụ cũng ở mức báo động. Theo TS Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết TƯ, thiếu hụt i-ốt ở người mẹ khi mang thai có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi, dễ sinh ra những đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ, thậm chí đần độn hoặc mang khuyết tật. Vì thế, việc bổ sung iốt cho trẻ em ngay từ khi mang thai trong bụng mẹ là một tiền đề rất tốt cho việc phòng chống rối loạn thiếu iốt cho trẻ em.
Đó là những con số đáng báo động được đưa ra tại lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt” diễn ra ngày 1/11, do Bộ Y tế và Tổ chức Liên hợp quốc tại VN đã tổ chức.
Theo TS.Lương Ngọc Khuê, Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh, chỉ sau 3 năm kết thúc dự án mục tiêu quốc gia phòng chống biếu cổ (PCBC), tình hình thiếu hụt i-ốt có xu hướng quay trở lại. Số người bị bướu cổ và những ảnh hưởng của căn bệnh này đang tăng mạnh mẽ, mà nguyên chính là Chương trình phòng chống bướu cổ và việc sử dụng muối i-ốt đang bị lãng quên ở nhiều địa phương.
Vì thế, hiện Bệnh viện Nội tiết đang phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu đưa i-ốt vào nhiều loại sản phẩm như : bột canh, nước mắm, nước tương để người dân có thể sử dụng hàng ngày, giảm tình trạng thiếu hụt i-ốt gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, đặc biệt là nguy cơ để căn bệnh bướu cổ trở lại và gia tăng mạnh.