Nên chấm dứt hình thức huy động vốn theo kiểu condotel

Doãn Thành (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến tính pháp lý và việc tồn tại của mô hình kinh doanh BĐS condotel, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH Đặng Hùng Võ để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

  GS. TSKH Đặng Hùng Võ
Thưa Giáo sư, ông có đánh giá thế nào về cách thức huy động vốn tại các dự án condotel trong thời gian qua?
-Việc cam kết lợi nhuận giữa chủ đầu tư với các nhà đầu tư thứ cấp là một chuyện không giống với cách kinh doanh thông thường. Ở các nước phát triển, họ thực hiện theo hình thức chung vốn đầu tư cùng khai thác rồi ăn chia lợi nhuận. Nhưng ở Việt Nam, việc tồn tại nhà đầu tư thứ cấp khiến cho các chủ đầu tư phải chạy đua như vậy, các dự án triển khai sau lại có xu hướng cam kết cao hơn để thu hút được vốn đầu tư.
Với những bài toán đầu tư ít rủi ro thì việc cam kết cũng có thể làm được, nhưng trong trường hợp condotel tính hiệu quả không cao vì trong giai đoạn đầu vận hành không được đảm bảo, nên những cam kết này mang lại rủi ro rất lớn.
Vì sao thu hút đầu tư vào sản phẩm condotel lại không đem lại hiệu quả, thưa ông?
- Trong cái loạng choạng của condotel có câu chuyện về pháp lý, mà lỗi thuộc hoàn toàn về phía cơ quan quản lý Nhà nước. Cả chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp đều mong muốn có một khung pháp lý cụ thể, minh bạch để có thể tính chuyện đầu tư. Có khung pháp lý mới tính bài toán đầu tư xem lợi nhuận như thế nào, lợi nhuận được đến đâu?... Bài toán đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào hành lang pháp lý. Hành lang pháp lý chưa rõ ràng sẽ dẫn đến thảm họa của bài toán kinh doanh. Cụ thể ở đây là nhà đầu tư không thực hiện được cam kết của mình.
Khung pháp luật đối với quản lý hình thức condotel, đó là: Chính sách đất đai thuộc Bộ TN&MT, còn chính sách quản lý thuộc về Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng cũng đã có đề xuất về khung pháp lý, Bộ TN&MT cũng có đề xuất, nhưng đề xuất không có gì khác, không tạo được bất cứ điều kiện gì để condotel phát triển.
Condotel đã vào Việt Nam được 10 năm, những câu chuyện xảy ra trong thời gian qua cho thấy cơ quan quản lý chưa có trách nhiệm.
Nếu vậy, theo Giáo sư, có nên tiếp tục duy trì cam kết lợi nhuận đối với condotel trên thị trường hay không?
- Condotel là hình thức có lợi điểm rất nhiều trong kinh doanh, không gian sử dụng rất phù hợp cho một kỳ nghỉ, chi phí kỳ nghỉ thấp đi nhiều, hệ số sử dụng đất cao, khả năng thu hút vốn đầu tư cũng rất nhanh.
Mặc dù chưa có khung pháp lý nhưng nó vẫn phát triển khá mạnh trong giai đoạn trước năm 2018, vì nó là hình thức mới, thời điểm đó hầu hết các địa phương vẫn giao đất theo hình thức sử dụng lâu dài, giống như đất ở, nhằm thu hút đầu tư. Nhưng gần đây có ý kiến là làm trái pháp luật, nên nhiều địa phương mới siết lại, những địa phương chưa giao đất đều chuyển thành 50 năm.
Khi chính sách có sự thay đổi, chủ đầu tư thứ cấp không còn mặn mà với sản phẩm này, có nghĩa là chủ đầu tư không có vốn để đầu tư, nên buộc phải co lại.
Tôi cho rằng phương thức cam kết lợi nhuận đối với đầu tư condotel không nên phát triển ở Việt Nam. Nên đưa vào câu chuyện kinh doanh thật minh bạch, trên những căn cứ pháp lý để có sự chia sẻ lợi ích theo một nguyên tắc nào đó. Như vậy nó sẽ đảm bảo sự bình thường hơn là việc thu hút vốn bằng những cam kết lợi nhuận không có căn cứ, từ trước khi có sản phẩm.

Xin cảm ơn ông!