Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên có phương án thành lập sàn vàng hợp pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cơ quan quản lý nên tính đến việc lập sàn giao dịch vàng, vì đây là nhu cầu có thật của nhiều nhà đầu tư.

Nên có phương án thành lập sàn vàng hợp pháp - Ảnh 1  
Bên cạnh việc khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch trên sàn giao dịch vàng và thực hiện kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài để tránh rủi ro, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, các cơ quan quản lý nên tính đến việc lập sàn giao dịch vàng, vì đây là nhu cầu có thật của nhiều nhà đầu tư.

Quan trọng là cơ quan quản lý phải tổ chức, điều hành, giám sát thế nào để sàn vàng hoạt động hiệu quả, minh bạch và nền nếp.

Dù liên tiếp 3 sàn kinh doanh vàng trái phép đã bị cơ quan điều tra đánh sập trong vòng một tháng qua nhưng nhiều sàn vẫn lén lút mời chào khách hàng. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến nay, Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép và NHNN cũng chưa cấp giấy phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác (gồm cả sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản). Như vậy, hoạt động của các sàn giao dịch vàng tại Việt Nam hiện nay là vi phạm pháp luật.

Sàn vàng hoạt động trái phép, đương nhiên rủi ro sẽ thuộc về những người chơi vàng tài khoản, nhà đầu tư trắng tay khi sàn vàng bị "đánh sập".

Tuy nhiên, thực tế, việc các sàn vàng lén lút hoạt động đã chứng tỏ có cầu ắt có cung. Ngoài lời khuyên người dân không tham gia sàn vàng trái phép, theo tôi, các cơ quan quản lý nên có phương án thành lập sàn vàng một cách hợp pháp.

Thông qua giao dịch vàng tài khoản, Nhà nước có thể giám sát và quản lý được lượng vốn tham gia đầu tư vào vàng cũng như thu được thuế thu nhập... Người dân cũng được giao dịch một cách minh bạch và rõ ràng, lợi ích của người dân được bảo đảm bởi có hành lang pháp lý, có nhà tổ chức chịu trách nhiệm trước pháp luật.
 
Người tiêu dùng chọn mua vàng tại một cửa hàng ở Hà Nội.     Ảnh: Kim Phượng
Người tiêu dùng chọn mua vàng tại một cửa hàng ở Hà Nội. Ảnh: Kim Phượng
Giai đoạn 2008 - 2009, hoạt động của các sàn vàng tại Việt Nam đã gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư khi làm méo mó và bất ổn thị trường nên NHNN đã phải cho đóng cửa. Liệu tình trạng này có lặp lại nếu tiếp tục cho phép thành lập sàn vàng, thưa ông?

- Trước đây, có thời điểm cả nước có hàng chục sàn vàng hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động của các sàn này không được đưa vào khuôn khổ, không có hành lang pháp lý rõ ràng nên làm méo mó thị trường. Vì vậy, NHNN đã quyết định chấm dứt hoạt động. Ở thời điểm đó, quyết định dừng là giải pháp tình thế nhưng cần thiết. 

Song, về lâu dài, thành lập sàn vàng là điều cần tính đến vì đó là nhu cầu của thị trường cũng như theo thông lệ quốc tế. Các nước như Ấn Độ, Trung Quốc… đều cho phép thành lập sàn vàng. Không lý do gì Việt Nam lại "một mình một kiểu" cả. 

Tất nhiên, để sàn vàng hoạt động lành mạnh, hạn chế đầu cơ và bảo vệ nhà đầu tư, cần hành lang pháp lý rõ ràng. Phải tổ chức, điều hành, quản lý, giám sát thế nào để sàn vàng hoạt động hiệu quả, minh bạch, nền nếp chứ không phải là "không quản được thì cấm". 

Hiện nay, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước vẫn ở mức cao. Mức chênh lệch này có gây nguy cơ gì cho thị trường không, thưa ông?

- Thống đốc NHNN từng khẳng định, chênh lệch giá vàng 400.000 đồng/lượng là phù hợp. Sau đó, con số được coi là phù hợp này được người đứng đầu NHNN đưa lên mức 1 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến nay, giá vàng trong nước và thế giới vẫn chênh lệch nhau ít nhất gấp 3 lần con số đó.

Hai ngày gần đây nhất, trong khi giá vàng thế giới lao dốc thì giá vàng trong nước vẫn giảm ở mức không tương xứng, dù về sát mức 35 triệu đồng/lượng. Chênh lệch lên mức hơn 5 triệu đồng/lượng. 

Khi thị trường vàng trong nước và thế giới không liên thông, người thiệt thòi đầu tiên là người dân mua vàng phải mua đắt. Sau nữa, chênh lệch giá vàng sẽ gây nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ vàng lậu về Việt Nam để thu lợi bất chính.

Xin cảm ơn ông!