Nên giữ tên Bưu điện Hà Nội

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nguồn tin riêng của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Sở VH&TT Hà Nội vừa chính thức ký văn bản kiến nghị với UBND TP nên thay tên hiện nay – “VNPT Hà Nội” bằng tên vốn có của công trình này, gắn với lịch sử văn hóa của Thủ đô là “Bưu điện Hà Nội”.

 Bưu điện Hà Nội bị đổi tên thành VNPT Hà Nội. Ảnh: Duy Anh
Chiều 6/11, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Tòa nhà Bưu điện Hà Nội (75 Đinh Tiên Hoàng) mặc dù được tu sửa nhiều lần song tên gọi truyền thống chưa từng thay đổi; hình ảnh quen thuộc về tên gọi của công trình cũng như chiếc đồng hồ đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của Thủ đô. Các hạng mục kiến trúc Bưu điện Hà Nội vẫn hiện diện tại vị trí cũ với dấu tích lịch sử được ghi rõ: “Ngày 20/12/1946, tại đây các chiến sĩ Thủ đô và công nhân bưu điện đã chiến đấu anh dũng, đánh lui nhiều đợt tấn công của giặc Pháp”.

Nhiều tháng nay, tên “Bưu điện Hà Nội” bất ngờ bị “khai tử”. Đơn vị quản lý đặt một cái tên mới cho tòa nhà đối diện hồ Hoàn Kiếm là “VNPT Hà Nội”. Việc “khai tử” tên của công trình đã làm những người yêu Hà Nội hụt hẫng. Nhà văn Trần Chiến nhận định: “Quả là cái tên “Bưu điện Hà Nội” đã trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội, khi nó được đặt trong “lẵng hoa giữa lòng TP” - tức Hồ Gươm. Như nhiều nước họ lấy cây số 0 một TP ở bưu điện trung tâm, đổi tên đi thì không còn ý nghĩa ấy. Cái tên này không phải chỉ đơn vị chủ quản sở hữu”. KTS Trần Huy Ánh cũng đồng quan điểm nên giữ lại tên Bưu điện Hà Nội của công trình. Bởi ở những nước rất phát triển như Mỹ, cái tên Bưu điện Washington vẫn được lưu giữ như một biểu tượng, một công trình của đất nước trong một giai đoạn lịch sử.

Từ tháng 3/2018, ngay khi lấy ý kiến về việc sửa chữa, thay thế thiết bị đồng hồ Bưu điện Hà Nội, Sở VH&TT Hà Nội cũng đã có ý kiến về tên gọi cũng như việc bảo tồn không gian kiến trúc của công trình. Theo Sở VH&TT Hà Nội, việc bảo tồn di sản của Thủ đô cần phải quan tâm đến cả các di sản tiêu biểu của kiến trúc bởi đó là những minh chứng cho lịch sử văn hiến nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội. Chính vì vậy, Sở VH&TT Hà Nội cho rằng, đơn vị chủ quản tòa nhà này (Công ty Viễn thông Hà Nội) nên trả lại cái tên Bưu điện Hà Nội như trước đây. Cũng theo đại diện Sở VH&TT Hà Nội, trước khi có văn bản kiến nghị, Sở đã tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn. Sở đề xuất trên quan điểm của đa số và theo tâm tư nguyện vọng của Nhân dân. PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng: “Ở Hà Nội khi nói “lên Bờ Hồ chơi” thì ai cũng sẽ hiểu ngay là lên Hồ Gươm. Nên “Bưu điện Bờ Hồ” hay “Bưu điện Hà Nội” cũng đã gắn với Bờ Hồ rồi. Khi thay thế thành “VNPT Hà Nội” tôi cảm thấy nó xa lạ với người Hà Nội”.

Tháng 12/2007, Bưu điện TP Hà Nội (cũ) chia tách bưu chính và viễn thông để thành lập mới hai đơn vị là Bưu điện Hà Nội (mới) và Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội); toàn bộ tòa nhà B phía 75 Đinh Tiên Hoàng được giao cho viễn thông, còn tòa nhà A giáp phố Lê Thạch giao cho bưu điện. Đến tháng 10/2015, biển chữ Bưu điện Hà Nội trên nóc tòa nhà do đã sử dụng gần 20 năm bị hỏng và có nguy cơ mất an toàn, không thể sửa chữa được nên đơn vị viễn thông quyết định gắn chữ mới VNPT Hà Nội, đúng tên của đơn vị. Tháng 1/2016, ba tháng sau khi tòa nhà thay đổi biển tên, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đề nghị Tập đoàn đổi lại dòng chữ Bưu điện Hà Nội như trước đây. Tuy nhiên, từ đó đến nay công trình này vẫn chưa được trả lại tên như cũ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần