Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (23/5), các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ...

Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (23/5), các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014. Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.

Đa số các đại biểu khi thảo luận ở tổ đều có ý kiến đánh giá nền kinh tế có chuyển biến, bước đầu đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn thật sự chưa bền vững. Đại biểu (ĐB) Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội), các chỉ tiêu đạt và vượt năm 2013 chưa vững chắc và thực chất. Tăng GDP chủ yếu ở vốn đầu tư ngoài nhà nước, nội địa tăng chậm. Thu ngân sách đạt kế hoạch những không bình thường, vì tháng 11 mới đạt thấp; nợ công thiếu chuẩn mực, có xu hướng gia tăng nhanh; nợ xấu xử lý chậm, chưa được giải quyết cơ bản; tổng cầu nội địa yếu. Mức hàng hóa bán lẻ thấp hơn nhiều con số trung bình (khoảng 20%). Cấu trúc nền kinh tế, doanh nghiệp (DN) nhà nước, ngân hàng thương mại thấp, có tình trạng thoái vốn ngoài ngành... Cũng theo ĐB Hùng, giải pháp hiện nay của Chính phủ là trọng tâm trong tái cấu trúc nền kinh tế, khâu đột phá ở DN nhà nước, tạo hài hòa giữa kinh tế vĩ mô.
Kinh tế Việt Nam bước đầu đã có dấu hiệu phục hồi. Ảnh minh họa
Kinh tế Việt Nam bước đầu đã có dấu hiệu phục hồi. Ảnh minh họa
Trong khi đó, ĐB Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội) cho biết, năm 2013 vẫn còn 2 chỉ tiêu không đạt, nền kinh tế 2013 cũng như báo cáo 4 tháng 2014 thể hiện nền kinh tế đã có sự hướng phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước. Trước hết là, các chính sách chậm đi vào cuộc sống. Cụ thể, gói 30.000 tỷ hỗ trợ cho bất động sản, nhưng khả năng hấp thụ rất chậm. Hiện lãi suất ngân hàng có giảm, nhưng các DN chưa thu được nguồn vốn, vì càng vay càng khó khăn. Các thủ tục hành chính còn nhiều bước, cơ chế chính sách thiếu phù hợp, trong đó có thuế.

Để khắc phục, ĐB Khiết đưa ra giải pháp là quản lý chặt nguồn vốn nhà nước cấp ra, trọng tâm là xây dựng công trình để hạn chế thất thoát; thu nợ cũ tồn đọng, giảm thủ tục hành chính; cổ phần hóa DN nhà nước. Đối với sản xuất nông nghiệp phải trọng tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo người nông dân có lãi. Thực tế, hiện nay xuất khẩu gạo đứng thứ nhất, nhì thế giới nhưng chất lượng gạo lại không cao; công nghệ chế biến trong nông nghiệp rất hạn chế, nhiều DN muốn vào chế biến sau thu hoạch, nhưng cơ chế cho các DN lại hạn chế. Vì vậy, Chính phủ nên bàn có chính sách thực sự thuận lợi, tạo cơ chế mở cho khu vực chế biến nông sản đáp ứng yêu cầu, sản phẩm đưa ra thị trường đảm bảo chất lượng, thu hút người tiêu dùng trong nước.

Cùng kiến nghị về việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp như ĐB Khiết, ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (đoàn Bắc Ninh) chia sẻ, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, do tác động của kinh tế thế giới và khu vực thì việc chuyển trọng tâm đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn mới, cần phải được ưu tiên, trong đó, quan tâm đến chế biến nông nghiệp, nông sản, đồng thời mở rộng thị trường trong nước, tạo đầu ra để khích lệ sản xuất nông nghiệp, nâng cao, cải thiện đời sống cho người nông dân. “Chính phủ cần nghiên cứu đầu tư làm sao đầu vào và đầu ra trong lĩnh vực nông nghiệp được đảm bảo như vậy người dân mới yên tâm sản xuất” - ĐB Hòa kiến nghị.

ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho biết, một số ngành, lĩnh vực đã có sự chuyển biến, tuy nhiên, sự phát triển đúng là chưa bền vững. Người lao động bị mất việc làm nhiều do số DN bị giải thể tăng. Vì vậy, Chính phủ nên cụ thể hóa các số liệu trong báo cáo, nợ xấu là bao nhiêu, nợ công như thế nào... Xem xét nguyên nhân, từ đó phân tích rõ hơn, đặc biệt trong đánh giá quản lý của cơ quan nhà nước. Ví như áp giá trần sữa cho trẻ em. “Đánh giá lại đầu tư FPI, cần thu hút, nhưng phải xem chúng ta có lợi đến đâu. Tái cấu trúc DN nhà nước, nhiều DN phá sản, vậy tái cấu trúc như thế nào cho hợp lý, chính phủ nên công khai” - ĐB An đề nghị.

Cũng theo ĐB An, giải pháp hiện nay là Chính phủ cần rà soát xem lại toàn bộ chủ trương đầu tư, nâng nội lực của nền kinh tế trong nước ở tất cả các lĩnh vực. Về quản lý nhà nước, không nên trồng chéo nhau trong quản lý, tránh việc không ai chịu trách nhiệm. Tăng giám sát cộng đồng, từ đó phát hiện ra nhược điểm, qua đó chỉnh sửa các khiếm khuyết, nhược điểm đó.

Nói về việc Quốc hội chấp nhận việc cho điều chỉnh mức bội chi của năm 2013 từ 4,8% lên 5,3% GDP, ĐB Nguyễn Sinh Hùng (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, số dự phòng của bội chi được Quốc hội thông qua quan trọng là hỗ trợ việc gì, đặc biệt hiện giờ có những việc cấp bách. Việc Quốc hội thể hiện lập trường, quan điểm, thái độ của mình trong giải quyết những khó khăn như thế đã được chưa... Đáng lưu ý, việc hiện nay có những khó khăn mới, vì vậy số bội chi nên sử dụng cho những khó khăn phát sinh này nhưng phải đảm bảo phù hợp thực tế, khách quan.

Đồng tình với ý kiến của ĐB Nguyễn Sinh Hùng, ĐB Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) kiến nghị trước mắt Quốc hội, Chính phủ nên trích nguồn vốn dự phòng đó cho 4 lĩnh vực: Hỗ trợ bà con ngư dân đánh cá đóng tàu vỏ sắt; sử dụng cho việc hỗ trợ xây nhà chống lũ ở miền Trung; chi trả đền bù cho người dân bị thiệt hại do xả lũ thủy điện; hỗ trợ các DN tại một số tỉnh bị gián đoạn sản xuất do bị một số phần tử quá khích đập phá khi mít biểu tình phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng biển thềm lục địa của Việt Nam.
DDB Trần Ngọc Tăng phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tại tổ.
ĐB Trần Ngọc Tăng phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tại tổ sáng 23/5.
Theo ĐB Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh), thu ngân sách nhà nước, qua quyết toán cho thấy có một số khoản thu thấp nhưng lại chưa có giải pháp đột phá, trong khi đó xử phạt những vi phạm liên quan đến thu ngân sách chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe, năm 2012 như vậy thì năm 2013 như nào, giải pháp như nào? Việc trốn thuế, khai man thuế, Chính phủ cần có giải pháp, biện pháp xử lý nghiêm.

“Thu ngân sách như vậy, nhưng chi ngân sách nhà nước, chi thường xuyên 2012, chi một số khoản chi liên quan xã hội, liên quan đến người dân, chi cho chương trình mục tiêu quốc gia, dạy nghề,… Chính phủ phải đánh giá hiệu quả để quy trách nhiệm những đơn vị làm không đúng, không đạt” - ĐB Khá đề nghị.

Trong khi đó, ĐB Trần Ngọc Tăng (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, sự chuyển biến của nền kinh tế, an sinh xã hội bảo đảm đã tạo được niềm tin trong rất lớn trong Nhân dân so với những năm trước… Tuy nhiên, tái cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa cao (theo báo cáo mới có 238 DN thành lập BCĐ để tái cơ cấu), như vậy không những chưa tạo đột phá cho nền kinh tế mà việc kéo theo cả việc DN nợ đọng bảo hiểm, ảnh hương đến an sinh xã hội.

Giải pháp hiện nay là Chính Phủ phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong nông nghiệp, tạo ra vùng sản xuất như nào, tạo ra khối lượng hàng hóa nông nghiệp, đặc biệt là chất lượng; chủ động trong vấn đề phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý nhà nước ở một số ngành như: Ngành y tế, giáo dục, văn hóa, KHCN để hạn chế những khuyết điểm xảy ra trong thời gian qua.

Ngoài ra, một số ĐB cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam. Tinh thần yêu nước đã được
Nhân dân thể hiện, được quốc tế đánh giá cao, tuy nhiên có một số đối tượng, tổ chức phản động lợi dụng vấn đề Trung Quốc để kích động, với những hành động quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, tài sản và sản xuất kinh doanh của một số DN, trong đó có DN đầu tư nước ngoài.

Chiều nay, Quốc hội sẽ làm việc tại hội trường, nghe trình bày Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.