Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nền kinh tế vẫn gặp khó khăn lớn trong quý I/2010

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nhìn ra thế giới và khu vực thì đây vẫn tiếp tục là thời điểm khó khăn, lưỡng nan về mặt chính sách của nhiều nước.

KTĐT - Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nhìn ra thế giới và khu vực thì đây vẫn tiếp tục là thời điểm khó khăn, lưỡng nan về mặt chính sách của nhiều nước. Lưỡng nan ở việc lựa chọn cách thức rút lui khỏi sự can thiệp của nhà nước, khỏi gói kích thích kinh tế của chính phủ như thế nào.

Cho dù khá nhiều dấu hiệu tích cực xuất hiện, song giới phân tích kinh tế vẫn cho rằng, khó khăn trong quý I/2010 vẫn rất lớn, còn những thuận lợi của năm 2010, theo dự báo, sẽ chỉ xuất hiện vào các quý tiếp theo.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nhìn ra thế giới và khu vực thì đây vẫn tiếp tục là thời điểm khó khăn, lưỡng nan về mặt chính sách của nhiều nước. Lưỡng nan ở việc lựa chọn cách thức rút lui khỏi sự can thiệp của nhà nước, khỏi gói kích thích kinh tế của chính phủ như thế nào.

Lưỡng nan chính sách

Kinh tế thế giới được nhìn nhận lạc quan hơn, tại một số nước thậm chí là rất khả quan, nhưng quá trình phục hồi vẫn được cho là còn yếu.

“Những vấn đề về tài chính, hàng loạt các vấn đề khác vẫn còn. Thậm chí nguy cơ đổ vỡ, nhất là về tài chính vẫn còn đó. Trong tình thế này, một mặt các chính phủ muốn tiếp tục kích thích kinh tế, nhưng mặt khác lại phải lo đối mặt với lạm phát, thâm hụt ngân sách quá cao, nợ chính phủ tăng nhanh, khó khăn là ở đấy”, ông Thành phân tích.

Cái khó ở đây là sự lựa chọn thời điểm và liều lượng của các chính sách, tránh việc tiếp tục kích thích kinh tế tăng trưởng để rồi gây ra những rủi ro vĩ mô. Nhưng nếu dừng toàn bộ gói kích thích thì kinh tế nhiều nước có thể sẽ trở lại vòng suy thoái dẫn tới áp lực chính trị rất lớn.

“Sự phân vân này trong điều hành chính sách của các chính phủ có thể sẽ là xu hướng chủ đạo trong tháng 1 này, đặc biệt trong quý I, mặc dù nếu nhìn trong cả năm thì tình hình tươi sáng hơn ít nhiều”, ông Thành nhận định thêm.

Áp lực vĩ mô

Việt Nam cũng không nằm ngoài những cân nhắc lưỡng nan nói trên. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, trong bối cảnh các nước thay đổi chính sách kinh tế, Việt Nam đương nhiên sẽ chịu những hệ lụy không nhỏ.

Đã xuất hiện những dự báo của giới nghiên cứu, phân tích kinh tế về những rủi ro kinh tế vĩ mô của Việt Nam có thể còn cao hơn trong năm 2010. Cụ thể, lạm phát đang trên đà tăng lên, thâm hụt thương mại tiếp tục ở mức cao.

Cán cân thanh toán còn bất định

“Sự thay đổi về lãi suất cơ bản, tỷ giá vào những tuần cuối của năm 2009 cho thấy, trong những tháng trước mắt, Chính phủ sẽ tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô để đảm bảo rằng quá trình hồi phục cho những năm sau tốt hơn”, ông Thành phân tích.

Từ phân tích này, ông Thành nhìn nhận, khi các giải pháp thiên về ổn định kinh tế vĩ mô thì điều kiện về tín dụng, về chi tiêu Chính phủ, về điều kiện thương mại... sẽ theo hướng chặt chẽ hơn. “Điều này có thể sẽ gây ra những khó khăn nhất định tới sự hứng khởi và tăng trưởng kinh tế trong vài tháng trước mắt.

Ông thành nhận định ngay trong quý 1 này, tính bất định của kinh tế thế giới còn khá cao, sự phục hồi chưa rõ ràng. Và nền kinh tế Việt Nam cần phải được tiếp tục điều hành một cách cẩn trọng.

Đồng quan điểm với ông Thành, ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam phân tích thêm: “Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố các thay đổi chính sách theo hướng thắt chặt tiền tệ vào ngày 25/11/2009, chúng tôi hoan nghênh điều này vì đã hạ nhiệt được cả thị trường ngoại tệ và nội tệ. Điều quan trọng nhất hiện nay là nắm rõ sự vận động của thị trường để có những quyết sách phù hợp. Chúng tôi tin rằng, sự thống nhất giữa các chính sách tiền tệ, tài chính và các chính sách kinh tế vĩ mô là điều đặc biệt quan trọng”./.