Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đề xuất hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, BHYT

Nên nhân rộng để nhiều người được hưởng lợi

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội đề xuất hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) cho người thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo và người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi từ 1/1/2026.

Dư luận mong mỏi chính sách này được nhân rộng ở nhiều địa phương, bởi đây là chính sách nhân văn, tạo an sinh xã hội bền vững.

Giảm áp lực tài chính cho người dân

Mới đây, BHXH Hà Nội, Sở LĐTB&XH và các cơ quan liên quan thống nhất báo cáo UBND TP Hà Nội xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện, BHYT cho một số đối tượng người dân đang thường trú trên địa bàn. Chính sách dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2026 cho khoảng 614.000 người thụ hưởng với tổng kinh phí trích từ ngân sách gần 709 tỷ đồng, trong đó chính sách BHYT là hơn 520 tỷ đồng, còn lại là chính sách BHXH tự nguyện.

Làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Người hưởng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo và thoát cận nghèo theo mức chuẩn nghèo, cận nghèo đa chiều của TP; người từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi; người khuyết tật nhẹ; dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ gia đình làm nông - lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình. Các nhóm này thường trú trên địa bàn TP, trừ người không có nhu cầu. Trong đó, người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và chưa có thẻ BHYT được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT.

 

Hà Nội có gần 1,15 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Trong số này khoảng 636.700 người được cấp thẻ BHYT từ Quỹ BHXH và ngân sách hỗ trợ; 330.700 người có thẻ BHYT hộ gia đình với tiền hỗ trợ mỗi năm trên 804 tỷ đồng. Trong khi gần 159.000 người cao tuổi chưa có BHYT, khó khăn cho việc chăm sóc y tế khi về già. Dân số Hà Nội gần 8,7 triệu người. Hết năm 2024 khoảng 2,17 triệu người đóng BHXH bắt buộc; 104.300 người tham gia BHXH tự nguyện và gần 8,17 triệu người - khoảng 95% dân số đóng BHYT.

Theo BHXH TP, việc xây dựng Nghị quyết căn cứ trên cơ sở kế thừa những chính sách hiện hành đồng thời sửa đổi, bổ sung đối tượng, chính sách phù hợp với tình hình thực tế và các quy định mới ban hành của TP. Đây là chính sách phù hợp chủ trương đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế của Hà Nội, cũng như khả năng cân đối ngân sách và đúng thẩm quyền.

Thời gian qua, hàng nghìn người dân tại Hà Nội đã được cấp thẻ BHYT miễn phí, được hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện. Kết quả này cho thấy sự quyết tâm của Hà Nội trong việc chăm lo sức khỏe, an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là người yếu thế.

Giám đốc BHXH Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, từ năm 2022 - 2024, TP đã triển khai thực hiện các giải pháp tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT, trong đó hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện, BHYT theo quy định của Chính phủ và một số nhóm đối tượng đặc thù của TP. Giai đoạn 2022 - 2024, Hà Nội đã hỗ trợ hơn 10,9 triệu người tham gia BHXH, BHYT với kinh phí trên 5.430 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo BHXH Hà Nội, từ 1/7/2024 lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng dẫn đến mức đóng BHYT hộ gia đình tối thiểu tăng 1,3 lần. Tiền đóng BHYT theo năm với các thành viên hộ gia đình từ người thứ nhất trở đi lần lượt là 1.263.600 đồng, 884.520 đồng, 758.160 đồng, 631.800 đồng và 505.440 đồng. Nhiều nhóm gặp khó khăn về kinh phí tham gia, nhất là người già không có lương hưu và các hộ có mức sống trung bình. Do đó, việc hỗ trợ thêm tiền đóng BHYT sẽ tạo điều kiện khuyến khích người dân tham gia BHYT và được quỹ BHYT chi trả khi ốm đau, từ đó giảm áp lực tài chính cho người dân.

Có thể nhân rộng?

Dư luận mong mỏi chính sách này sớm được triển khai và nhân rộng ở nhiều địa phương. Bà Nguyễn Thị Dần (63 tuổi, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng) cho biết, do hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, một mình bà phải gánh vác việc gia đình nên chưa có điều kiện tham gia BHYT hộ gia đình.

“Nếu đề xuất của BHXH Hà Nội được thông qua, chúng tôi rất phấn khởi. Việc hỗ trợ tiền đóng giúp giảm áp lực tài chính cho những người có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia BHXH, BHYT. Tôi hy vọng chính sách này được nhân rộng ở nhiều địa phương để người dân được hưởng lợi” - bà Dần bày tỏ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế để nhân rộng chính sách này cần phải có nguồn thu ngân sách lớn, không phải địa phương nào cũng thực hiện được. TS Phạm Đình Thành - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH cho rằng, từ trước đến nay, mọi chế độ của Nhà nước hỗ trợ người dân đều rất đáng quý. Với đề xuất trên, cơ quan chức năng, địa phương nên tính toán số lượng đối tượng từ 60 đến dưới 75 hiện nay chưa có thẻ BHYT là bao nhiêu người. Khi đóng BHYT cho các đối tượng này, mức đóng phải tương ứng với các thành viên khác trong xã hội.

Tuy nhiên, điều quan trọng là nguồn ngân sách của từng địa phương có bảo đảm, bố trí hỗ trợ được hay không? Mỗi địa phương căn cứ vào điều kiện sống cụ thể để triển khai được vấn đề này thì rất tốt bởi nhiều người dân được hưởng lợi. Ví dụ như ở Hà Nội đã có chế độ ưu đãi đối với người từ 60 tuổi trở lên được đi xe buýt miễn phí. Đây cũng là một ưu điểm rất lớn.

“Thiết nghĩ, để thực hiện điều này cần phải có lộ trình về quy định số tuổi. Ví dụ, cơ quan chức năng có thể quy định giảm độ tuổi, hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người 65 - 70 tuổi theo nguồn ngân sách cụ thể. Còn với đề xuất hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người 60 đến dưới 75 tuổi, đây là một khoản tiền không nhỏ. Bởi căn cứ vào khả năng của nguồn ngân sách TP phân phối hoạt động đóng BHYT cho toàn bộ người dân chưa có thẻ BHYT từ 60 - 75 tuổi, nếu hỗ trợ chế độ cho các đối tượng trên, các địa phương phải bảo đảm cân đối ngân sách thường xuyên, liên tục, duy trì xuyên suốt, lâu dài cho mọi thành viên trong xã hội” - TS Phạm Đình Thành phân tích.

 

Những năm qua, Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết hỗ trợ người dân tham gia BHXH, BHYT. Đó là Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện cho người dân trên địa bàn; Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND; Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND; Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND về hỗ trợ mức đóng BHXH, BHYT đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia BHXH, BHYT.

Có thể thấy, 4 nghị quyết của TP đã bao phủ rộng lớn các đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Sau khi các nghị quyết được ban hành, số người tham gia BHXH, BHYT tăng trưởng rõ rệt. Do đó, với đề xuất của BHXH Hà Nội là hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người 60 - 75 tuổi, tôi hoàn toàn nhất trí và ủng hộ. Đây là chính sách nhân văn, tạo an sinh xã hội, tiến tới BHYT toàn dân.

Giám đốc BHXH quận Tây Hồ Nguyễn Thị Thanh Bình