Nên quy định room tín dụng tối thiểu và tối đa

TS Phan Văn Thường (Đại học Quốc tế Hồng Bàng)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - NHNN ấn định hạn mức tín dụng (HMTD) hàng năm tạo thế chủ động trong kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ HMTD chưa có tác dụng ngăn chặn nguy cơ rủi ro của nền kinh tế.

HMTD được hiểu là giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm. Hiện nay NHNN vẫn cho rằng, HMTD là cơ chế cần thiết để NHNN thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi không ít chuyên gia lại cho rằng nên bỏ hoặc áp dụng một cách hợp lý và hiệu quả hơn. Còn với các ngân hàng bị giới hạn bởi HMTD chắc rằng họ rất muốn cởi trói.

Nhiều ngân hàng cổ phần lớn niêm yết như MB, VCB, CTG, ACB,… room tín dụng được NHNN giao đầu năm đã gần như hết
Nhiều ngân hàng cổ phần lớn niêm yết như MB, VCB, CTG, ACB,… room tín dụng được NHNN giao đầu năm đã gần như hết

Có nên duy trì cơ chế hạn mức tín dụng?

Có thể nói ngay HMTD là công cụ chính sách tiền tệ phi xu hướng tự do hóa tài chính và hội nhập hóa nền kinh tế. Ngày nay ngân hàng trung ương của các quốc gia chủ yếu điều hành chính sách tiền tệ thông qua các công cụ gián tiếp như lãi suất tái cấp vốn, công cụ thị trường mở. Các công cụ điều hành trực tiếp như dự trữ bắt buộc, HMTD chỉ được sử dụng khi những công cụ gián tiếp không còn phát huy tác dụng.

Đối với Việt Nam, HMTD được NHNN liên tục sử dụng từ năm 2011 đến nay. Quá trình điều hành cơ chế HMTD của NHNN thời gian qua đã thu được những kết quả nhất định trong đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, thực tế việc xác định room tín dụng tổng thể và phân bổ chỉ tiêu cho từng ngân hàng hàng năm, cũng như kiểm soát đạt hiệu quả như mong muốn của NHNN còn nhiều vấn đề đặt ra, nếu không muốn nói bộc lộ không ít bất cập.

Thứ nhất, việc xác định tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hàng năm chủ yếu phải dựa vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm. Tuy nhiên, thực tế việc xác định tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hàng năm của NHNN trên cơ sở tăng trưởng GDP hàng năm rất khó hiểu. Chẳng hạn, từ năm 2018 đến 2021 tỷ lệ tăng trưởng GDP lần lượt là 7,08%, 7,02%, 2,91%, 2,58%, trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tương ứng là 13,89%, 13,85%, 12,17%, 13,47%. Bằng chứng này cho thấy tăng trưởng tín dụng năm 2020 và năm 2021 không dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP.

Thứ hai, NHNN chưa công khai được chỉ tiêu chính thức và cách tính toán từng chỉ tiêu như thế nào trong việc xác định room tín dụng cụ thể. Thông tư 52/2018/TT-NHNN về phân loại ngân hàng, nhưng NHNN chưa dựa vào phân loại này để phân bổ HMTD. Hiện NHNN chủ yếu căn cứ tỷ lệ tăng dư nợ tín dụng vào thời điểm cuối năm trước để dự kiến HMTD năm nay cho từng ngân hàng. Nên hiểu, dư nợ tín dụng năm trước tăng cao không đồng nghĩa chất lượng tín dụng năm nay tốt hơn, mà thực tế tiềm ẩn rủi ro cao hơn. Đây là bất hợp lý, tại sao ngân hàng có tiềm ẩn rủi ro cao hơn lại được giao HMTD cao hơn?

Thứ ba, do phân bổ thiếu căn cứ và nhất quán chính sách nên rất dễ xẩy ra tình trạng nhóm ngân hàng này room tín dụng quá thiếu, trong khi nhóm ngân hàng khác lại dư thừa room. Tình trạng hàng loạt ngân hàng lên tiếng xin bổ sung room tín dụng trong cuộc hội nghị trực tuyến của NHNN vào ngày 27/5 vừa rồi là minh chứng. Đến thời hiện tại nhiều ngân hàng cổ phần lớn niêm yết như MB, VCB, CTG, ACB,… room tín dụng được NHNN giao đầu năm đã gần như hết, trong khi đây là những ngân hàng được giao chỉ tiêu dư nợ theo chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% lại lớn nhất.

Thứ tư, HMTD là công cụ điều hành chính sách mang tính hành chính, trong thực tiễn đã tạo ra cơ chế xin - cho, khó đảm bảo minh bạch, công bằng. Dù chưa có phản ứng “ra mặt” với NHNN, nhưng thực tế khi NHNN thông báo room cho ngân hàng nào đó rất cao, đương nhiên ngân hàng được chia room thấp hơn không phải đã bằng lòng. Câu chuyện thừa thiếu room, hoán chuyển room giữa các ngân hàng thông qua nghiệp vụ bán và mua lại tài sản tài chính (repo), việc ngân hàng tìm cách cho đẹp con số làm căn cứ xin room nhiều hơn, tất yếu sẽ xẩy ra.

Thứ năm, quản lý HMTD không đơn giản là giao room tín dụng và yêu cầu các ngân hàng tuân thủ room, mà quan trọng là NHNN phải quản lý được chất lượng tín dụng, khả năng thanh khoản, tín dụng phải đi đúng hướng và đúng mục đích, tức quản lý an toàn hoạt động ngân hàng. Viêc quản lý này đã hội đủ trong quy định các tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Các giới hạn an toàn đó đã tiệm cận chuẩn mực thông lệ quốc tế. Vậy thử hỏi có cần thiết phải duy trì công cụ HMTD?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hạn mức tín dụng sao cho hiệu quả, minh bạch?

Việc ấn định HMTD hàng năm có tác dụng tạo thuận lợi cho NHNN trong việc chủ động kiểm soát tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế, qua đó kiểm soát lạm phát. Tuy vậy, trong điều hành cơ chế HMTD hiện tại chưa có tác dụng ngăn chặn nguy cơ rủi ro của nền kinh tế, do dòng tiền tín dụng chưa đạt hiệu quả như mong muốn hoặc bị nắn sai mục đích. Cùng với đó, sự đảm bảo minh bạch, công bằng trong điều hành cơ chế HMTD đang là vấn đề đặt ra cần xử lý. Thiết nghĩ NHNN nên nghiên cứu, điều chỉnh trong điều hành HMTD sao cho hiệu quả hơn, đảm bảo minh bạch và công bằng.

Thay vì giao room tín dụng tổng thể, NHNN chỉ giao room tín dụng 2 lĩnh vực cho từng ngân hàng. Đó là room tối thiểu tín dụng lĩnh vực ưu tiên và room tối đa tín dụng lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Về lĩnh vực ưu tiên, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định 5 lĩnh vực ưu tiên lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam, nhưng thực tế do không quy định room tối thiểu nên việc triển khai cho vay các lĩnh vực ưu tiên này quy mô nhiều hay ít, như thế nào là tùy tâm từng ngân hàng.

Về lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tuy NHNN luôn đưa ra thông điệp yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt cho vay bất động sản, chứng khoán và BOT, nhưng không quy định room tối đa nên thực tế dư nợ tín dụng lĩnh vực này rất cao, nguy cơ rủi ro là rất lớn. Theo thông tin từ Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, đến giữa tháng 4/2022 tổng dư nợ tín dụng bất động sản là 2.288.000 tỷ đồng, chiếm 19,16% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, tăng trên 1,5 lần so với tỷ lệ tăng tín dụng chung cùng kỳ.

Một hoạt động tín dụng có nguy cơ rủi ro cao khác của các ngân hàng là đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần được quy định room tối đa. Theo số liệu báo cáo tài chính quý 1/2022, tỷ lệ tăng dư nợ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp so với cuối năm 2021 tại nhiều ngân hàng quá cao. Điển hình như SHB là 169,11%, TPBank 48,40%, PVcombank 37,71%, BaovietBank 25,01%, Techcombank 22,25%… Tốc độ tăng này gấp nhiều lần tốc độ tăng tín dụng chung của ngân hàng.

Việc thực hiện cơ chế HMTD một mặt phản ánh vai trò của NHNN trong điều hành tiền tệ, mặt khác thể hiện quyền uy của NHNN trong quản lý hoạt động của các ngân hàng. Dĩ nhiên quyền uy đó của NHNN phải được các ngân hàng tự nguyện tôn trọng chứ không phải vì bị ép buộc. Muốn vậy, việc ấn định room tín dụng để giao cho các ngân hàng phải trên cơ sở chính sách nhất quán, có chính sách công khai. Các số liệu đưa ra phải trên cơ sở có công thức tính và cách tính toán cụ thể.