Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên tách riêng 2 kỳ thi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục đích đổi mới thi và tuyển sinh, Bộ GD&ĐT dự kiến đẩy sớm việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Rất nhiều góp ý được các chuyên gia giáo dục đưa ra, trong đó, GS.TS Vũ Tuấn - nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch HĐQT trường THPT Hồng Hà cho rằng: Có nhiều biện pháp để giảm căng thẳng của kỳ thi, nhưng không nên bỏ thi.

Bỏ thi sẽ học lệch

GS Vũ Tuấn quan niệm, càng thi nhiều sẽ lọc và tìm ra được những người có năng lực để học tiếp các bậc học cao hơn. Cách đây gần 60 năm, để được thi tốt nghiệp tú tài, học sinh (HS) phải trải qua các môn thi viết, nếu đỗ mới được thi vòng vấn đáp, nghĩa là việc thi cử luôn được coi trọng và tổ chức bài bản. Và càng không thể thay thế thi bằng kiểm tra. Bài kiểm tra trên lớp, câu hỏi xoay quanh kiến thức đã học, thi hết học kỳ cũng vậy. Thực tế đã có nhiều kiến thức lúc kiểm tra thì nhớ, nhưng đến cuối năm lại quên. Thế nên thi là cách để HS hệ thống hóa kiến thức cả năm học, thấy được sự liên hệ giữa các kiến thức ấy với nhau giúp hiểu sâu hơn và dễ nhớ hơn. “Thi là cơ hội đối với người học, nếu bỏ thi là thiệt thòi cho người học” - GS Vũ Tuấn khẳng định.
Thí sinh làm bài thi môn Văn tại Đại học Luật Hà Nội trong kỳ thi quốc gia 2015. 	 Ảnh: Phạm Hùng
Thí sinh làm bài thi môn Văn tại Đại học Luật Hà Nội trong kỳ thi quốc gia 2015. Ảnh: Phạm Hùng
Bộ GD&ĐT từng sai lầm khi bỏ thi tốt nghiệp THCS, đến nay vẫn còn hậu quả. HS cấp 2 chỉ tập trung học Toán và Ngữ văn để thi vào 10, những môn còn lại bị xem nhẹ. Hậu quả lên cấp 3, nhiều HS bị hổng kiến thức cấp 2. Tương tự như vậy đối với kỳ thi THPT quốc gia, HS lớp 12 biết trước 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn, do đó những môn không phải thi sẽ không học. Như phân tích của GS Vũ Tuấn, các nhà quản lý giáo dục đã mắc sai lầm từ gốc. Muốn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, trước tiên phải hiểu mục đích của nó. Tốt nghiệp THPT và đại học (ĐH) là 2 kỳ thi có bản chất khác nhau, khi nhập làm một chắc chắn không đạt được cả 2 mục tiêu. Mục đích của thi tốt nghiệp là kiểm tra việc dạy và học trong 12 năm. Vậy mà, với cách tính lấy điểm tổng kết năm học cộng với điểm kỳ thi THPT quốc gia, chia 2, được 5 điểm là đỗ. Nhiều nơi đã cho điểm tổng kết lên tới 7,0, HS chỉ cần thi được 3 điểm là đỗ tốt nghiệp. Hiệu quả của kỳ thi liệu có còn?

Giải quyết những bất cập

Với cách tuyển sinh ĐH năm ngoái, Bộ GD&ĐT cho thí sinh quá nhiều lựa chọn trường, ngành, khiến nhiều phụ huynh, HS coi mục tiêu cả đời là đặt được một chân vào ĐH. HS đăng ký vào một trường, thấy cơ hội trúng tuyển không cao, lại chạy sang trường hạng thấp hơn. Nếu khả năng ngành đã chọn không đỗ, lại tiếp tục chuyển. Như vậy, HS không để ý đến việc mình có sở trường gì, sau này làm việc ra sao. Đó là chưa kể những chuyện nực cười như xe cấp cứu chở thí sinh từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để kịp nộp hồ sơ, ĐH Kinh tế quốc dân tựa như sàn chứng khoán… 

Vì những bất cập đó, GS Vũ Tuấn đề nghị tách riêng 2 kỳ thi, gồm kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH. Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT ra đề và giao cho các sở GD&ĐT tổ chức, thi ít nhất 6 môn như các năm trước. Như thế, HS phải học toàn diện, không còn tình trạng hổng kiến thức. Nếu muốn giảm bớt áp lực cho thí sinh, các câu hỏi thi ra ở mức độ vừa phải, thậm chí kiến thức cơ bản trong chương trình sách giáo khoa.

 Còn việc tuyển sinh vào ĐH cần để các trường tự chủ. Trường nào thấy cần thiết phải tuyển chọn chuyên gia, nhân tài, có thể tự ra đề và tổ chức thi theo ý mình. Những trường khác có thể dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT cộng với kiểm tra, phỏng vấn thêm. Không phải lo việc các trường ra đề thi dễ để hút thí sinh, bởi sản phẩm đầu ra là minh chứng thể hiện đẳng cấp của trường. “Kỳ thi THPT quốc gia thất bại vì không đạt được mục đích đề ra. Vì thế, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT bỏ kỳ thi này, nên có riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH do các trường tự tổ chức. Và, khôi phục lại kỳ thi tốt nghiệp THCS để HS học tập toàn diện" - GS Vũ Tuấn đề xuất.