Số hoá bảo vật quốc gia
Ngày 28/8, sau một thời gian thử nghiệm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour (tiếng Việt và tiếng Anh), được tích hợp trên website của Bảo tàng (vnfam.vn).
Ngay ở trong ngôi nhà an toàn của mình, công chúng chỉ cần các thiết bị điện tử được kết nối internet, sau đó truy cập vào website của bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và thực hiện theo chỉ dẫn là công chúng ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng có thể tự do khám phá không gian trưng bày của bảo tàng, chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật và nghe giới thiệu về các chủ đề. Bên cạnh đó, 100 hiện vật tiêu biểu được giới thiệu trong ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA cũng được liên kết với trưng bày trực tuyến 3D Tour, được gắn biểu tượng nổi bật giúp du khách dễ dàng nhận ra. Đặc biệt, video với độ phân giải cao giới thiệu 2 bảo vật quốc gia được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh và câu chuyện sẽ giúp du khách được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cảm nhận giá trị lịch sử, nghệ thuật của những kiệt tác này.
|
Bảo vật quốc gia được số hoá bằng công nghệ. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. |
Cảm nhận khi tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam qua 3D tour trong thời gian thử nghiệm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) Nguyễn Đức Tăng cho biết, thông qua việc trưng bày bằng công nghệ ảo, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã làm rất tốt nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá và tạo cảm hứng về giá trị văn hóa, nghệ thuật của sưu tập hiện vật đến công chúng.
Cú hích trong ứng dụng 4.0Đại dịch Covid-19 bùng phát cũng trở thành một cú hích buộc các bảo tàng phải nhanh chóng thay đổi, khi làn sóng trải nghiệm bằng tour khám phá ảo (virtual tour) trở thành xu hướng bùng nổ khắp thế giới, khi phong tỏa và giãn cách khiến con người không thể ra khỏi nhà. Nhiều thành tựu công nghệ đã nhanh chóng du nhập về Việt Nam. Từ không gian trưng bày được số hóa 3D với phần nội dung ứng dụng vào công nghệ thực tế ảo VR (Vertual reality), thực tế ảo tăng cường AR (Augmented Reality) giúp du khách có thể đặt mình vào không gian bảo tàng và trải nghiệm như thật thông qua một cặp kính chuyên dụng đến màn hình trong suốt Transparent LCD. Từ tương tác không chạm (LeapMotion), 3D Mapping đến Video Wall, Holofan... Tất cả đã mở rộng biên độ, để những chuyên gia bảo tàng đầy tâm huyết bắc nhịp cầu nối gần công chúng.
Ở nhiều nước, việc làm cho bảo tàng trở nên hấp dẫn, thu hút du khách đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan quản lý văn hóa và các bảo tàng. Giáo dục nghệ thuật, phát triển công chúng cho các bảo tàng là hoạt động thường xuyên, và công nghệ thông tin giúp các hoạt động này trở nên hấp dẫn, sinh động hơn. Vì thế, số hóa bảo tàng là lĩnh vực được ưu tiên. Các bảo tàng lớn như Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng quốc gia London (Anh), Bảo tàng Metropolitan New York (Mỹ), Bảo tàng Dân gian quốc gia Hàn Quốc, Bảo tàng Lịch sử Trung Quốc... đều đã số hóa hầu hết các tác phẩm nghệ thuật với định dạng 3D và chương trình tham quan ảo, cho phép người xem sử dụng các thiết bị di động thông minh để tìm hiểu các tác phẩm, bộ sưu tập, tác giả và thông tin có liên quan.
GS. Susan Bayly, Đại học Cambridge (Anh) nhận xét về ứng dụng 3D Tour: “Đây thực sự là một bước tiến trong chặng đường phát triển của Bảo tàng, một sự đóng góp to lớn đối với công tác bảo tồn và quảng bá tới công chúng những bộ sưu tập nghệ thuật tuyệt vời của Bảo tàng. Toàn bộ việc trải nghiệm hoàn toàn miễn phí, tạo điều kiện tối đa để du khách có thể an tâm, tự do trải nghiệm”. Trong khi đó, chuyên gia thiết kế trưng bày bảo tàng New York (Mỹ) James Hicks, đánh giá: “Đây là sự đóng góp tuyệt vời đối với ngành di sản thế giới, nhưng quan trọng hơn là đối với công chúng Việt Nam, đặc biệt trong thời điểm khó khăn hiện nay khi mọi người đều đang giãn cách và chỉ được ở nhà. Công nghệ tham quan trực tuyến giúp cho tất cả chúng ta có thể khám phá Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, và quan trọng là chiêm ngưỡng các hiện vật trong chính không gian trưng bày của Bảo tàng".
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ đã tạo nên sức sống mới cho hoạt động bảo tàng từ lâu vốn bị xem là ít đổi mới, hiệu quả thu hút khách tham quan chưa cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nỗ lực này không chỉ của riêng các bảo tàng mà cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý, nghiên cứu, các DN và các tổ chức có liên quan. Điều đó sẽ giúp các bảo tàng khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.