Nền tảng trực tuyến xuyên biên giới - doanh thu nghìn tỷ vẫn chưa nộp thuế

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù kiếm được hàng tỷ USD ở thị trường Việt Nam nhưng những dịch vụ trực tuyến xuyên biên giới như Facebook, Google hay Netflix vẫn cố tình tìm đủ chiêu trò để trốn thuế. Điều này không chỉ làm tổn hại cho ngân sách quốc gia mà còn vô hình trung tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với những doanh nghiệp trong nước có cùng lĩnh vực hoạt động.

"Nóng” tại nghị trường Quốc hội
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời về việc quản lý nội dung, thuế phí đối với các nền tảng truyền hình trả tiền nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Người đứng đầu Bộ TT&TT phân tích, các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, luật pháp trong khi đó một số nền tảng xuyên biên giới không thuế, không luật pháp, cạnh tranh không cân bằng đối với doanh nghiệp trong nước.

Thống kê cho thấy, hiện nay Việt Nam có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với khoảng 14 triệu thuê bao và doanh thu 1 năm khoảng 9.000 tỷ đồng.

Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới hiện nay như Netflix, Apple TV hoặc iQIYI của Trung Quốc đang cung cấp tại Việt Nam là khoảng 1 triệu thuê bao, doanh thu ước tính lên tới 1.000 tỷ đồng.
 Hướng dẫn kê khai thuế thương mại điện tử trên trang web của Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Theo thống kê ở quý 1 năm 2020, gần 1 triệu thuê bao truyền hình truyền thống đã ngừng đăng ký. Trái ngược điều này, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chưa phải thực hiện các quy định pháp luật Việt Nam thì lại tăng trưởng mạnh. Điển hình như thuê bao của Netflix quý 1/2020 tại Việt Nam tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thậm chí, Netflix còn có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam như pháp luật về báo chí, điện ảnh, trẻ em, cụ thể là phản ánh sai trái lịch sử, ví dụ như loạt phim về chiến tranh Việt Nam, xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như phim Madam Secretary, có nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm…

Trong khi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trong nước cơ bản phải tuân thủ các quy định về cấp phép, biên tập nội dung, nộp phí đóng thuế thì các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ này lại hưởng lợi khi chưa đóng thuế theo quy định của pháp luật.

Cùng với Netflix, Facebook và Google là hai gã khổng lồ trong lĩnh vực internet đến từ Mỹ đã và đang thực hiện hoạt động kinh doanh quảng cáo tại Việt Nam nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế ở Việt Nam khiến nhiều người bất ngờ bởi các “ông lớn” này hoạt động đã lâu, doanh thu lớn và ngày càng bành trướng về thị phần.

Cụ thể, Google và Facebook là 2 nền tảng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến. Báo cáo vừa công bố của Google, Temasek và Brain & Company về kinh tế số Đông Nam Á 2020 cho biết, ngành truyền thông trực tuyến tại Việt Nam đã tăng trưởng 18% so với năm ngoái, đạt giá trị 3,3 tỷ USD.

Bộ TT&TT đánh giá việc các tập đoàn lớn bỏ túi hàng tỷ USD nhưng không đóng thuế hay đóng nhỏ giọt trong khi doanh nghiệp trong nước phải đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp là một bất công trên thị trường. Theo nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hoạt động kinh doanh không thông qua một đối tác quảng cáo ở Việt Nam và tự thu tiền về tài khoản của mình như vậy là bất hợp pháp. Hậu quả là không kiểm soát được nội dung, “chảy máu” doanh thu ra nước ngoài, thất thu nguồn thuế cho nhà nước và làm thiệt hại thị phần của các doanh nghiệp nội dung số trong nước.

Bộ TT&TT cho biết các ông lớn công nghệ như Google, Facebook, Netflix… phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ USD nhưng vẫn chưa đóng thuế. Bộ TT&TT sẽ cùng Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đóng thuế và kiểm soát dòng tiền thanh toán.

Quản lý chặt các nền tảng xuyên biên giới

Trong văn bản “cầu cứu” gửi Thủ tướng cuối tháng 7/2020, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (PayTV) cũng đã đề xuất sớm xử lý, ngăn chặn các trang mạng xã hội, các chương trình trực tuyến xuyên biên giới. Ông Lê Đình Cường - Phó chủ tịch PayTV cho biết, việc không bị ràng buộc khiến các thương hiệu ngoại quốc đã chiếm hơn 50% thị phần và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường truyền hình trả tiền. Ngoài việc chiếm thị phần và khách hàng, những nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới như Netflix, Iflix, Amazon, Facebook, WeTV, Iqiyi... còn không chịu sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng. Ông Cường cũng nhắc lại nỗi bức xúc của nhiều doanh nghiệp truyền hình Việt Nam khi họ nhập khẩu nội dung, mua bản quyền để phát sóng đều phải đóng thuế; khi cung cấp dịch vụ chokhách hàng cũng nộp thuế và hàng năm phải nộp thuế doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới chưa thực hiện trách nhiệm vềthuế, cũng như trách nhiệm tuân thủ các quy định quản lý nội dung khác.

Về các giải pháp chống thất thu thuế từ các tập đoàn công nghệ lớn đang hoạt động tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh phải sớm sửa đổi Nghị định số 06 năm 2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên Internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Hiện nay, Bộ TT&TT đã soạn thảo xong, đang trình Chính phủ xem xét. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới. Bộ Tài chính đang chủ trì việc này và Bộ TT&TT đang phối hợp tích cực. Bên cạnh đó, cần tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh pháp lý, truyền thông, kinh tế, kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Trở lại với câu chuyện của Netflix, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ TT&TT đã có công văn yêu cầu công ty Netflix tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam khi cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam. Cục yêu cầu công ty Netflix chấm dứt hoạt động chuyển ngữ tiếng Việt, gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên kho nội dung đang cung cấp đến người dùng Việt Nam.

Sau đó, đại diện phát ngôn của Netflix chính thức lên tiếng trước thông tin chưa nộp thuế tại Việt Nam. Đại diện nền tảng này cho hay, chính phủ các quốc gia có toàn quyền quyết định về chính sách thuế ở quốc gia mà Netflix hoạt động và nền tảng này luôn tuân thủ các pháp luật hiện hành được áp dụng của Việt Nam.

Đại diện Netflix khẳng định: "Chúng tôi ủng hộ việc triển khai những cơ chế để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài như Netflix có thể hoàn thành nghĩa vụ thuế tại Việt Nam. Song, hiện nay một cơ chế như vậy vẫn chưa hiện hữu". Netflix nêu rõ sẽ phối hợp với các cơ quan thẩm quyền để xây dựng cơ chế như vậy.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Thuế - Hải quan Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM: Ngành thuế phải tập hợp chứng từ, yêu cầu các doanh nghiệp kê khai chi tiết thay vì chỉ báo cáo chung là chi phí quảng cáo, khuyến mãi. Có vậy mới bắt đầu được câu chuyện quản lý thuế cho các ngành kinh doanh xuyên biên giới mà không đặt văn phòng ở Việt Nam.

Mới đây, chính phủ Indonesia ra quyết định áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% đối với các công ty công nghệ nước ngoài gồm Amazon, Google, Netflix, Spotify đang bán hàng hóa và dịch vụ ở Indonesia nhưng không có sự hiện diện thực tế tại nước này. Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính Indonesia thông báo đã phân bổ mã số thuế cho Công ty dịch vụ điện toán đám mây Amazon Web Services của Amazon, Netflix (Mỹ), nền tảng nhạc số Spotify (Thụy Điển) và các đơn vị của Google gồm Google Asia Pacific, Google Ireland, Google LLC với mục đích thu thuế VAT 10% kể từ ngày 1/8/2020.