KTĐT - Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, thuốc lá, rượu, bia, các thức ăn như dưa muối, hành muối, cà muối và thức ăn bị mốc sẽ làm tăng nguy cơ gây ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày, đại tràng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh ung thư có liên quan đến môi trường, các loại thức ăn, đồ uống không phù hợp và những thói quen không tốt của chính chúng ta.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, thuốc lá, rượu, bia, các thức ăn như dưa muối, hành muối, cà muối và thức ăn bị mốc sẽ làm tăng nguy cơ gây ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày, đại tràng.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng, những loại canh mà mọi người thường dùng như canh hành tây, canh cà chua, canh cà rốt, nếu cho thêm một số vị thuốc Đông y như lưỡi rắn, củ sen, cỏ long quỳ, hổ trượng, tiên hạc thảo, lan hoàng thảo, cây ngưu bàng sẽ có tác dụng phòng chống ung thư rất tốt.
Danh sách thực phẩm có lợi
Cà chua
Cà chua có chứa chất lycopen, một chất chống oxy hóa rất quan trọng, giúp tiêu diệt các tế bào ung thư. Nghiên cứu cho thấy, nếu ăn 5-7 miếng cà chua/tuần, nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt sẽ giảm 21-34%.
Rau xanh
Các loại rau có hoa hình chữ thập như súp lơ xanh, cải làn chứa nhiều vitamin C rất tốt cho cơ thể.
Với rau cải bó xôi, ngoài hàm lượng chất sắt phong phú còn có nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin B11, bổ sung dưỡng chất cho cơ thể và ngăn ngừa các bệnh ung thư.
Rau thơm
Rau thơm có chứa nhiều vitamin B1, B2 có công dụng chống oxy hóa, làm giảm dần tế bào lão hóa và ngăn chặn tế bào ung thư.
Cà rốt
Cà rốt là loại củ rất giàu caroten, vitamin và chất khoáng, cà rốt có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể và ngăn chặn tế bào ung thư.
Đậu phụ
Chất glyceollin và genistein trong đậu phụ có tác dụng phòng chống bệnh ung thư gan, vòm cổ, ung thư vú, ung thư cổ tử cung.
Bột càri
Trong bột càri có chứa nhiều bột nghệ, có tác dụng chống lại quá trình oxy hóa trong cơ thể, tiêu diệt và ngăn chặn các tế bào ung thư phát sinh trở lại.
Danh sách thực phẩm không tốt
Các loại thịt
Có hai loại chất sắt ẩn chứa trong thực phẩm là heme iron (có nhiều trong thịt đỏ, thịt gà, cá.) và non-heme iron (có nhiều trong thực vật và lòng đỏ trứng).
Cơ thể chúng ta dễ hấp thụ heme iron (20%) hơn so với non-heme iron (3%). Tuy nhiên, heme iron, chất béo no và một số chất hữu cơ lại chính là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh ung thư (ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư gan). Do đó, theo các chuyên gia dinh dưỡng thế giới, nên hạn chế ăn thịt đỏ, chỉ nên ăn khoảng 500g/tuần.
Thức ăn chứa hàm lượng đường cao
Các nhà khoa học Thụy Điển đã công bố một kết luận cho thấy, những người ăn nhiều chất đường kết hợp với chế độ ăn có chỉ số đường cao thường rất dễ mắc bệnh ung thư vú.
Chế độ ăn nhiều những chất có chỉ số đường cao sẽ làm tăng nồng độ insulin và hocmon sinh dục cơ thể làm phát tán tế bào ung thư khắp cơ thể.
Rượu bia
Bia rượu cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư, đặc biệt là ung thư khoang miệng và ung thư vòm họng.
Lời khuyên với nam giới là một ngày không nên uống quá 500ml bia, còn đối với nữ giới là không nên uống quá 250ml bia/ngày. Đối với rượu, nam giới không nên uống quá 250ml/ngày, còn nữ giới không nên uống quá 150ml/ngày.
Thức ăn có hàm lượng muối cao
Ở Trung Quốc, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư vòm mũi họng thường cao hơn so với các nước khác.Nguyên nhân có liên quan đến thói quen dùng nhiều thức ăn có hàm lượng muối cao (dưa, cà muối) của người dân nước này.
Ngoài ra, việc sử dụng các loại thức ăn đóng hộp thường xuyên cũng rất dễ gây ung thư dạ dày. Vì vậy, mỗi tuần, bạn chỉ nên ăn thức ăn đóng hộp 1-2 lần và cần chú ý đến lượng muối dùng hàng ngày, mỗi bữa nấu ăn chỉ dùng 1/3 thìa cà phê muối là đủ.