Việc một cơ quan soạn thảo luật đưa ra những đề xuất gây tranh cãi, vốn không phải là điều hiếm gặp trong những năm qua. Với đề xuất rút ngắn thời hạn GPLX của Bộ Công an, nếu xét về mặt câu chữ sẽ dễ lầm tưởng “rút ngắn” sẽ đi đôi với giảm tải thủ tục hành chính, bớt phiền hà cho người dân.
Tuy nhiên, thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Việc rút ngắn thời hạn GPLX từ 10 năm xuống còn 5 năm đồng nghĩa với việc người dân, mà cụ thể ở đây là những người được cấp GPLX sẽ tăng gấp đôi số lần đi làm thủ tục đổi bằng so với trước đây. Cùng với đó, họ cũng sẽ mất gấp đôi số tiền cho thủ tục này. Đó là chưa kể, sẽ còn những yêu cầu liên quan nào nữa kèm theo trong mỗi lần đổi bằng chưa được tính đến. Việc rút ngắn thời hạn GPLX, đương nhiên sẽ được lý giải nhằm mục đích nâng cao chất lượng, chuyên môn lái xe, từ đó tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT - như đúng tên gọi của bản dự thảo luật chứa đựng đề xuất này. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý có mục đích rõ ràng trong đổi GPLX là cập nhật kiến thức cho người dân thì việc đổi mới có ý nghĩa. Trong khi GPLX 5 năm phải đổi nhằm mục đích gì thì chưa rõ.
Một điều khá đặc biệt là cách đây không lâu, cũng chính Bộ Công an đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận với đề xuất cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp trong dự án xây dựng căn cước công dân mới. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như nó không xuất hiện giữa lúc chương trình đổi từ chứng minh Nhân dân sang căn cước công dân có mã vạch, vừa được triển khai trước đó chưa được bao lâu. Trước đó, vào năm 2016, khi việc cấp thẻ căn cước công dân có gắn mã số định danh (mã số công dân) được triển khai rộng rãi cho người từ 14 tuổi trở lên, đã nhận được sự kỳ vọng rất lớn của dư luận về một loại giấy tờ tích hợp hiện đại. Chưa biết loại giấy tờ mới này hiện đại và tiện ích bao nhiêu nhưng nếu đề xuất này được triển khai, sẽ có 16 triệu thẻ căn cước công dân vừa cấp cho công dân ở 16 tỉnh, TP đã thành lạc hậu và đương nhiên sẽ phải đổi.
Xây dựng các văn bản luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn luôn luôn vận động là điều quan trọng với tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, dù quy định gì trong văn bản luật nào đi chăng nữa cũng đều phải đặt lợi ích của Nhà nước và người dân lên hàng đầu. Trong đó, tối giản thủ tục hành chính, bớt phiền hà tốn kém cho người dân trong xây dựng luật cũng là cách giúp cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Bởi xét cho cùng, luật pháp sinh ra cũng để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn mà thôi.