KTĐT - Tổ ấm của Hữu Bảo và Như Quỳnh nằm trong một phần nhà 48 Hàng Đào (tòa nhà rất rộng này trước kia thuộc gia sản của cụ Nguyễn Hữu Nhâm, là địa chỉ của thương hiệu tơ lụa Tam Kỳ).
Nếp nhà Tràng An, ấy là sự ổn định trong quan hệ giữa các thành viên gia đình, đạt đến hạnh phúc và ấm cúng.
Nếp nhà Tràng An, ấy là sự ổn định trong quan hệ giữa các thành viên gia đình, đạt đến hạnh phúc và ấm cúng.
Tổ ấm của Hữu Bảo và Như Quỳnh nằm trong một phần nhà 48 Hàng Đào (tòa nhà rất rộng này trước kia thuộc gia sản của cụ Nguyễn Hữu Nhâm, là địa chỉ của thương hiệu tơ lụa Tam Kỳ). Họ sống chậm rãi, thung dung, lịch lãm trong một không gian ấm cúng và rất đỗi giản dị. Nơi đó, họ để lại bên ngoài cánh cửa những sáo danh “ngôi sao”, “nghệ sĩ”. Nếu không bận đóng phim, Như Quỳnh chỉ ở nhà. Chăm chút bữa cơm cho chồng con, thư giãn bằng việc đọc sách và xem phim một mình, những xô bồ ngoài kia dường như chẳng bao giờ là nỗi bận tâm của người phụ nữ này.
Là người của công chúng, nhưng Như Quỳnh lại không hợp với đám đông. Có vẻ như những xôn xao phù phiếm của “giới celeb” hoàn toàn xa lạ với Như Quỳnh. Chị ưa cách sống kín đáo, khiêm nhường của những người phụ nữ Hà Nội cũ. Chính nhan sắc uể oải mà thanh khiết, nét đẹp sang trọng và bí ẩn, mang đậm tinh thần Á Đông, đã khiến Như Quỳnh trở thành lựa chọn số một cho những đạo diễn từ nước ngoài muốn tìm một gương mặt rất Việt Nam. Có người nói rằng, nhan sắc của Như Quỳnh ám ảnh, bởi ẩn phía sau là chiều sâu văn hóa của tâm hồn Hà Nội.
Nếu Như Quỳnh có phong thái nhu thuận, có phần khép mình thì Hữu Bảo lại ưa ngao du và rong chơi. Với nhiều người, tìm kiếm cảm giác xê dịch phải là ngao du trên những cung đường lạ. Còn Hữu Bảo, giữa Hà Nội đã bị “cày nát” từng xăng ti mét, hàng ngày anh vẫn nhận được những cảm xúc tươi nguyên, vẫn thấy đời sống va đập vào mình mới mẻ. Yêu Hà Nội theo cách hơi “bảo thủ”, nhà nhiếp ảnh này đã từng thú nhận mình khó thích ứng với một Hà Nội đang thay đổi từng ngày: “Đi ra đường tôi ngơ ngác như một người nhà quê, lạ lẫm vì những gì thấy không giống với hình dung của mình. Có lẽ tôi phải nhìn Hà Nội khoan dung hơn. Nhưng tôi lại có nỗi sợ rằng, nếu thích nghi thì tình yêu của tôi với Hà Nội không còn nguyên vẹn”. Để giữ lại một Hà Nội cổ (ít nhất cho riêng mình), nhiều năm nay, Hữu Bảo đã lặng lẽ làm công việc gom nhặt những “mảnh vụn” của đời sống và những vết tích còn lại có thể bị mất đi hoặc biến dạng - về Hà Nội của anh.
Hữu Bảo và Như Quỳnh có hai con gái, Đan Huyền và Đan Khuê, nhan sắc hứa hẹn sẽ rực rỡ có phần hơn mẹ. Hai cô gái trẻ được bố mẹ tập cho từ bé để không có ảo tưởng về “gia đình toàn người nổi tiếng”. Cô chị cả Đan Huyền có vẻ đẹp lạ lùng, rất xi-nê, từng được nhiều đạo diễn nước ngoài đến VN làm phim lựa chọn. Nhưng Đan Huyền từ chối tất cả các cơ hội “một bước thành sao” ấy. Cô thích nghề báo và muốn trở thành một cây bút bản lĩnh. Hiện Đan Huyền đang du học ngành báo chí tại Trung Quốc. Bé Đan Khuê cá tính, khoáng đạt và cởi mở, cô bé thường được mẹ “nắn” để giữ khuôn nếp tế nhị, nhẹ nhàng của con gái Hà Nội.
Tổ ấm Hữu Bảo - Như Quỳnh
Nếp nhà Tràng An, ấy là sự ổn định trong quan hệ giữa các thành viên gia đình, đạt đến hạnh phúc và ấm cúng. Giữ nếp kính trên nhường dưới, có chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau không ai to tiếng, cư xử nhã nhặn, lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, sống giản dị mà thanh nhã, trọng thị bạn bè, chăm chút cái ăn - cái mặc - không gian sống đạt đến tính thẩm mỹ thanh lịch, coi trọng, lấy giá trị tinh thần làm thước đo chất lượng sống... Những “căn cốt” ấy được truyền từ thời cha mẹ hợp duyên nhau, được duy trì đến đời sau như “của để dành” cho con cháu. Bằng phong thái sống, Hữu Bảo và Như Quỳnh đang lưu giữ tinh thần Hà Nội dưới mái ấm gia đình mình.