Quận Hoàng Mai vừa Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (khóa XV) “Về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Là quận đang đô thị hóa mạnh, dân số cơ học tăng nhanh (năm 2004 là trên 18 vạn người nay tăng lên gần 70 vạn người) thì việc tổ chức đám cưới như thế nào để đảm bảo nếp sống văn minh là một vấn đề lớn.
Lồng ghép vào các nội dung tuyên truyền, vận động
Đầu tiên là trong công tác tuyên truyền các nội dung Chỉ thị 11 cần để các các đảng viên và quân chúng thấu hiểu và gắn việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; Chỉ thị số 03-CT/TW (khóa XI), Chỉ thị số 05-CT/TW (khóa XII) của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Chương trình số 05-CTr/QU của Quận ủy (khóa II, III, IV) về “Phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng nếp sống thanh lịch - văn minh quận Hoàng Mai”...
Tiếp đến UBND quận Hoàng Mai đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đặc biệt là phòng Văn hóa - Thông tin, phòng Tư pháp, phòng Nội vụ hướng dẫn các khu dân cư, tổ dân phố xây dựng và sửa đổi quy ước, quy định phù hợp với tiêu chí, cụ thể hóa những nội dung của Chỉ thị 11 vào tiêu chí bình xét các danh hiệu văn hóa như: Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Trong đó, các đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong quận chính là những người gương mẫu đi đầu và tuyên truyền cho người thân.
Kết hợp giá trị truyền thống với văn minh, tiết kiệm
Đến nay, tại quận Hoàng Mai, đa số các lễ cưới được tổ chức trong 1 ngày, không phô trương hình thức, không mời thuốc lá, không mở nhạc quá 22 giờ đêm và trước 6 giờ sáng, hạn chế thuê nhạc sống và thuê váy áo đắt tiền; việc tổ chức tiệc tùng, ăn uống linh đình cơ bản đã giảm. Các gia đình khi tổ chức việc cưới đã “thu gọn”, trong lễ ăn hỏi không còn tình trạng “thách cưới” gây tốn kém, lãng phí; quá trình tổ chức lễ ăn hỏi theo nghi thức truyền thống dân tộc phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình, đảm bảo tiết kiệm văn minh.
Về phần chính quyền, trước khi tổ chức đám cưới, các đôi nam nữ đều đến UBND phường đăng ký kết hôn; tại các phường đều đã bố trí nơi tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn trang trọng và tổ chức trao “Giấy chứng nhận kết hôn” với sự chứng kiến của lãnh đạo phường, đại diện hai bên gia đình, đoàn thể và bạn bè.
Hàng năm, cấp ủy, chính quyền từ quận đến cơ sở đã đưa tiêu chí thực hiện Chỉ thị 11 vào bình xét thi đua, khen thưởng đối với cán bộ, đảng viên; xử lý kịp thời các cán bộ, đảng viên vi phạm Chỉ thị, đồng thời, xem xét việc thực hiện Chỉ thị là một tiêu chí trong đánh giá, đề bạt và bổ nhiệm cán bộ.
Năm 2017, Quận ủy đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 11 và khen thưởng 23 tập thể, 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị. Trong dịp tổng kết 10 năm lần này, quận cũng đã tặng Bằng khen cho 7 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy. Tính ra trong 10 năm qua, UBND quận đã khen 425 gia đình, 286 tổ dân phố, 150 đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.