Nét độc đáo của Tết người Mường ở Ba Vì

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giống như người Mường khắp mọi miền đất nước, người Mường ở Thủ đô vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là cồng chiêng và văn hóa ẩm thực.

Những phong tục truyền thống

Theo quan niệm truyền thống của xứ Mường, Tết không bắt đầu vào ngày Ông Công, ông Táo như của người Việt. Ngày Xuân chỉ thực sự bắt đầu từ 27 tháng Chạp. Từ ngày này, chợ Tết cũng mới được mở ra. Vào dịp Tết, mỗi gia đình đều mổ một con lợn, dù to hay nhỏ để làm cỗ mời anh em, bạn bè, hàng xóm chung vui.

Người Mường quan niệm ăn thế nào thì thờ cúng thế đó nên trong mâm cỗ để cúng có đủ các món ngày Tết. Đặc biệt, cùng với bánh chưng, mâm cỗ ngày Tết của người Mường không thể thiếu đặc sản: Bánh chéo kheo. Bánh chéo kheo được làm từ bột nếp, có nhân đậu xanh đồ chín trộn với mật. Bánh được gói bằng lá hó (một loại lá cây mọc trên núi) thành hình trụ, dài khoảng 7-10 phân và mỗi lá phải gói hai chiếc bánh, gấp lại thành một đôi, tượng trưng cho tình yêu đôi lứa thắm thiết, bền chặt.
Ảnh  Đội cồng chiêng thôn Gò – Đá Chẹ xã Khánh Thượng( Ba Vì)
Đội cồng chiêng thôn Gò – Đá Chẹ xã Khánh Thượng( Ba Vì)
Cũng giống các dân tộc khác, đối với người Mường, thời khắc quan trọng nhất là đêm Giao thừa. Đêm Giao thừa, người Mường thường làm hai mâm cỗ để cúng tổ tiên và Thần cai quản đất đai. Trước đây, khi còn ở nhà sàn, người Mường không lập bàn thờ mà chỉ ngày Tết mới dựng ban thờ bằng cột, phên đan.

Điều gây ngạc nhiên nhất đối với những du khách được đón Tết Mường là tục “cho trâu ăn trước”. Sau khi hoàn thành các thủ tục cúng lễ đêm 30, trâu sẽ được cho ăn cỏ trước khi gia đình ăn cơm năm mới. Theo quan niệm của người Mường: Phải cho trâu ăn trước vì trâu đã làm vất vả cả năm, ra Tết cũng phải đi làm trước. Không chỉ có trâu được “ưu ái” trong dịp này, những dụng cụ giúp cho người nông dân làm ra thóc lúa, của cải như cày, cuốc, dao, liềm cũng được “ăn Tết” cùng gia chủ. Đặc biệt, các vật dụng phải được dựng ngay ngắn, bởi quan niệm, nếu để bừa bãi thì năm mới làm ăn sẽ khó khăn.

Vào ngày Tết, tiếng cồng chiêng trầm bổng, vang vọng khắp núi rừng mời ông bà, tổ tiên về đón Tết, vui xuân cùng con cháu. Những bậc cao niên ở xã Minh Quang (Ba Vì) kể, đêm giao thừa, những người có uy tín trong bản vận trang phục truyền thống mang theo cồng chiêng đi chúc Tết các gia đình. Người Mường gọi nghi lễ này là phường bùa. Phường bùa đi sắc bùa thành hàng và có đủ cả nam lẫn nữ. Phường bùa đến nhà hẹn trước để hát sắc bùa, khi đến cổng, người đi đầu hát bài mở cổng và chủ nhà ra mở cổng chào đón. Phường bùa đi vào sân, vừa đi vừa đánh cồng, sau mỗi bài cồng là người trong phường hát một bài chúc tụng. Tiếng cồng cũng là những lời chúc gia chủ năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui. Theo quan niệm của đồng bào Mường, tiếng chiêng phát ra to, vang, rền là sự báo hiệu một năm mới tốt lành, may mắn

Cồng chiêng gọi Xuân về

Dàn cồng chiêng có thể là 5 chiếc, 7 chiếc, 9 chiếc, 12 chiếc hoặc 17 chiếc. Nhưng thường là 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, gồm 4 chiêng chính, 4 chiêng cái, 4 chiêng phối âm. Cách chơi cồng của người dân tộc Mường ở đây khác với chơi cồng của người Tây Nguyên ở chỗ, cồng của người Mường Ba Vì có quai, khi chơi mỗi người xách một cồng, còn cồng ở Tây Nguyên, người ta treo bộ chiêng trên giá chiêng. Cồng chiêng của người Mường Ba Vì có núm ở giữa, cồng chiêng của người Tây Nguyên không có núm. Dùi chiêng của người dân tộc Mường ở Ba Vì thường làm bằng gỗ tốt, có tiện một đầu to, dài 35-40cm, đầu bịt da động vật (như da con hoẵng), khi đánh vào chiêng lớp da bóng ánh lên trông rất đẹp. Ngày nay người ta bịt ở đầu dùi bằng vải đỏ.

Cách diễn tấu cồng chiêng của người dân tộc Mường các xã miền núi của huyện Ba Vì mang tính biểu cảm sâu đậm nhằm diễn tả nội tâm sâu lắng, đậm chất trữ tình. Nghệ thuật biểu diễn cồng chú trọng tới cách luyến láy, giúp người nghe cảm nhận được nội dung từng điệu cồng. Khi biểu diễn, phụ nữ Mường ở Ba Vì bao giờ cũng mặc trang phục truyền thống, gồm áo pắn, váy đen, đầu đội khăn trắng, cổ đeo vòng bạc và thắt lưng nhiều hoạ tiết. Mỗi thành viên trong dàn cồng chiêng có sự kết hợp nhuần nhuyễn với tập thể để tạo nên sự thành công của đội cồng trong từng giai điệu.

Ngày Xuân ở các xã Miền núi huyện Ba Vì có đủ mọi thứ như miền xuôi. Sau phút giao thừa thiêng liêng, nhà nào cũng có người đi lấy nước mới, đó là phong tục truyền thống, bởi theo bà con nơi đây lấy nước mới là để cầu mong mọi sự tốt lành khi bước sang năm mới, và để có một năm mới may mắn, sung túc hơn.

Những ngày này, các xã miền núi của huyện Ba Vì đã rộn ràng không khí Tết. Những cánh hoa đào đang đua nhau khoe sắc, hy vọng rằng ước mơ về một cuộc sống ngày càng sung túc hơn của bà con nơi đây sẽ trở thành hiện thực để một ngày không xa nữa các xã miền núi của huyện Ba Vì sẽ phát triển sánh cùng với các xã miền xuôi.                                                                       

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần