70 năm giải phóng Thủ đô

Nét xưa nhà cũ dưới chân núi Hoành Sơn

Bùi Biền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thấp thoáng dưới chân dãy Hoành Sơn, xen lẫn những ngôi nhà cao tầng khang trang, mái bằng kiên cố, vẫn tồn tại nhiều nếp nhà mang lối kiến trúc truyền thống, gợi nhắc mỗi người về một thời đã xa…

Nhà cũ dưới chân dãy Hoành Sơn

Tại vùng quê phía Bắc tỉnh Quảng Bình, dưới chân dãy Hoành Sơn hùng vĩ, khi đến các xã Quảng Kim, Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) không khó để bắt gặp hàng chục ngôi nhà với lối kiến trúc xưa cũ, nằm hiên ngang, vững chãi.

Những ngôi nhà cũ năm dưới chân dãy Hoành Sơn
Những ngôi nhà cũ năm dưới chân dãy Hoành Sơn

Sau lưng những ngôi nhà cũ là dãy núi Hoành Sơn như một bức tường thành che chắn từ hướng Tây, Tây Bắc đến Bắc rồi sang Đông Bắc. Mỗi năm, những cơn bão ập vào gặp dãy Hoành Sơn án ngữ nên dễ gây ra lốc xoáy làm hư hại nhà cửa, cây cối nhưng nhà cũ vẫn trường tồn theo thời gian. Đủ để thấy sức sống dẻo dai của những ngôi nhà cũ cũng giống như bản chất kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam.

Bên ấm chè xanh, ông Tạ Tấn Nhờ (71 tuổi, trú thôn 3, xã Quảng Kim) cho biết, đa phần, nhà cũ ở đây đều được xây vào những năm từ 1960 – 1980 của thế kỷ trước. Điểm đặc biệt, vật liệu xây chính dựng nên ngôi nhà đều được người dân tận dụng, khai thác từ dãy Hoành Sơn hùng vĩ nên rất bền bỉ và vững chắc. Để dựng nhà, người dân vùng Hoành Sơn phải vất vả lên rừng đốn gỗ, đào đá và tích luỹ hàng năm trời. Qua bàn tay giúp sức của họ hàng, làng xóm và sự tài hoa của những người thợ lành nghề thực hiện trong nhiều tháng.

Cũng giống như các làng xã khác ở Quảng Bình, nhà cũ vùng Hoành Sơn được người dân xây dựng theo 3 kiểu chính là nhà trếnh, nhà bang và nhà chữ đinh. Nhà trếnh hay còn được gọi là nhà rường. Nhà trếnh thường có 2 loại: nhà trếnh 5 gian và nhà trếnh 3 gian. Nhà trếnh 5 gian gồm 3 gian chính với 2 gian phụ. Nhà 3 gian gồm 1 gian chính với 2 phụ. Nhà 5 gian thường có 6 vì: nhà 1 gian 2 chái có 4 vì. Hai vì ở 2 đầu hồi đóng vai trò “làm gậy” chống của ngôi nhà để chống đỡ với gió bão, lũ lụt.

 Vật liệu dựng nên ngôi nhà đều được lấy từ dãy Hoành Sơn hùng vĩ
 Vật liệu dựng nên ngôi nhà đều được lấy từ dãy Hoành Sơn hùng vĩ

Nhà bang còn được gọi là nhà tiền khách hậu chủ. Về cơ bản nhà bang có kết cấu gần giống nhà trếnh. Điểm khác giữa nhà bang với nhà trếnh là nhà bang giảm bớt hàng cột mẹ phía trước; đồng thời thay trếnh bằng một cái bang cụt nối từ cột mẹ sau tới cột con phía trước. Ở trên bang tại vị trí cột mẹ trước là một cột đội chống nối từ kèo đến bang cụt.

Nhà chữ đinh có nhiều kết cấu khác nhau như nhà một gian hai chái, ba gian, hai gian. Sỡ dĩ kết cấu đơn giản vì người ta quan niệm đây chỉ là ngôi nhà phụ, thường là nhà bếp hoặc nhà ở của những gia đình còn thiếu thốn. Nhà chữ đinh không chú ý nhiều đến gỗ, tuy nhiên riêng cột mẹ được ưu tiên thường là gỗ lim hoặc táu để chốt đất làm trụ cho cả nhà. Nhà chữ đinh thường có 3 cột gồm 1 cột mẹ và 2 cột con, 2 kèo 1 bang.

Ông Tạ Tấn Nhờ cho rằng: “Người xưa thiết kế nhà rất hay, dù không hiện đại như nhà bây giờ, song mùa hè thì mát mẻ, mùa đông ấm cúng. Mỗi lần đi làm về, chỉ cần bước vào nhà là tôi cảm thấy tinh thần khoan khoái, bao mệt nhọc dường như tan biến hết”.

Nhà cũ gắn liền với thế hệ cũ

Giữa cuộc sống ồn ào, gấp gáp và tác động của đô thị hoá, thế hệ trẻ đã dần quen với lối sống trong những căn nhà xây mới, hiện đại, khang trang. Nhưng chỉ cần nhắc đến “nhà cũ” là có thể gợi nhớ đến họ một nơi mang đậm ký ức tuổi thơ đầy hoài niệm. Bởi, gắn với những ngôi nhà cũ, là thế hệ những người ông, người bà, người cha, người mẹ vẫn đang sinh sống, mang lại cảm giác bình yên mà ai cũng muốn tìm về.

Cụ Từ Thị Út (80 tuổi, ở thôn Hùng Sơn, xã Quảng Kim) sinh sống một mình trong căn nhà chữ đinh được dựng nên từ năm 1967, dù có đến 7 người con cả trai lẫn gái. Sau hơn 50 năm, ngôi nhà vẫn được cụ giữ gìn nguyên vẹn, mọi chi tiết trong nhà dường như không thay đổi, những vật dụng như chiếc sập đựng thóc, tủ li, bàn ghế, kệ bếp được có tuổi đời lên đến nửa thế kỉ nhưng vẫn còn sử dụng tốt. Trong vườn, cụ Út trồng hoa màu như lạc, ngô và dựng hàng rào tre xung quanh như tô điểm thêm cho vẻ đẹp bình dị của ngôi nhà.

Sống trong những căn nhà cũ là “thế hệ cũ”
Sống trong những căn nhà cũ là “thế hệ cũ”

Cụ Út cho biết, thấy tôi cứ sống mãi trong ngôi nhà cũ, các con tôi đề xuất việc phá dỡ để xây mới. Tuy nhiên, tôi nhất quyết không đồng ý bởi ngôi nhà này là nơi lưu giữ kỷ niệm, là nơi con người quay về trú ngụ và nghỉ ngơi sau những vật lộn, vất vả bên ngoài. Ngôi nhà như một người thân chứng kiến niềm vui, nỗi buồn, những thăng trầm của gia đình và từng thành viên.

Chưa kể, nó còn là hình ảnh để các con, cháu nhớ đến quê hương, nguồn cội và giá trị văn hóa của dân tộc, tìm về sau những mệt nhọc, tranh đua ngoài xã hội để thấy tâm hồn được bình an, để cuộc sống chậm hơn, bình dị hơn. Sau cùng, các con, cháu dựng nên một ngôi nhà khang trang ngay bên cạnh để tôi trú ngụ những khi mưa to, gió lớn. Và tôi cũng nhiều lần căn dặn các con, sau này, khi tôi mất đi thì không được bán hay tháo dỡ căn nhà mà dùng làm từ đường hoặc đơn giản là nơi gặp gỡ, chốn đi về của anh em, con cháu.

Cụ Từ Thị Út, một mình sống trong căn nhà cũ
Cụ Từ Thị Út, một mình sống trong căn nhà cũ

Quả thực, trải qua bao sự biến thiên của thời gian, ẩn hiện trong từng nếp xưa nhà cũ là những giá trị văn hóa - lịch sử quý báu, là linh hồn của làng, xã. Không chỉ có ý nghĩa như vốn tài sản mà cha ông lam lũ, nhọc nhằn gây dựng được truyền lại cho con cháu, những ngôi nhà cũ như những hiện vật biết kể chuyện về truyền thống gia đình, dòng họ; chuyện về đất và người quê hương... 

Giữa những áp lực của bộn bề cuộc sống và đầy rẫy những điểm nhìn, lối suy nghĩ thực dụng, việc có thể lưu giữ lại được những ngôi nhà cũ với sức sống bền bỉ như ở dãy Hoành Sơn là một điều không hề dễ dàng. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho tâm huyết, nỗ lực của biết bao thế hệ con người đã sinh ra và lớn lên, sống và chết cùng với ngôi nhà thân yêu của mình.