Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nếu cần, sẽ đề xuất thanh tra một số dự án trạm xử lý nước thải tại cụm công nghiệp

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Qua khảo sát thực tế tại huyện Thanh Oai, các thành viên đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho rằng, tại huyện hiện chỉ có 1/4 cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải nhưng trạm đã được đầu tư từ lâu, công nghệ đã rất lạc hậu. Chính vì vậy, đầu ra của xả thải không đảm bảo yêu cầu, bốc mùi rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới không khí xung quanh...

Thực hiện chương trình giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về xử lý nước thải trong các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn Hà Nội, ngày 21/5, Đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP có buổi khảo sát thực tế tình hình hoạt động Trạm xử lý nước thải trong CCN Thanh Oai và làm việc tại UBND huyện.

Theo đại diện Phòng TN&MT huyện Thanh Oai, trên địa bàn hiện có 4 CCN đang hoạt động là Thanh Oai, Bích Hòa, Thanh Thùy và Bình Minh-Cao Viên (mới thành lập), trong đó, mới chỉ CCN Thanh Oai có trạm xử lý nước thải. CCN này có 26 DN đang hoạt động (ngành nghề may mặc, cơ khí, dược phẩm), do Công ty CP cơ khí xây dựng số 18 (Coma18) làm chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng CCN và 6 DN thuộc Điểm CN Bích Hòa (cũ) không thuộc quản lý của Ban QLDA ĐTXD huyện. Thực hiện Quyết định 7209/QĐ-UBND ngày 2/12/2013 của UBND TP phê duyệt Đề án ĐTXD hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các CCN trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2014-2015, CCN Thanh Oai được hỗ trợ kinh phí ĐTXD hệ thống thu gom, bể chứa, lắng, lọc, nhà vận hành, hàng rào bảo vệ trạm xử lý nước thải. Hiện nước thải phát sinh được xử lý qua Trạm xử lý nước thải CCN do TP đầu tư, 100% DN đang hoạt động trong CCN đã ký hợp đồng đấu nối nước thải vào trạm xử lý nước thải tập trung. Trạm có công suất thiết kế 600m3/ngày-đêm nhưng hiện mới hoạt động đạt công suất 200m3/ngày-đêm, nước thải đầu ra của trạm có một số thông số vượt tiêu chuẩn cho phép. Từ năm 2017, do Trạm xử lý nước thải tập trung của CCN này bắt đầu hoạt động, các DN đấu nối nước thải về trạm xử lý, vì vậy không triển khai thu phí của các DN. Ban quản lý CCN kê khai nộp phí với Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội.

 Đoàn giám sát tiến hành khảo sát thực tế hoạt động Trạm xử lý nước thải trong Cụm công nghiệp Thanh Oai

Từ thực tế khó khăn, UBND huyện đề nghị TP tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ xâỵ dựng trạm xử lý nước thải tập trung cho các CCN và làng nghề trên địa bàn huyện, nhất là các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của hoạt động sản xuất CN lên môi trường. Đại diện COMA18 cũng kiến nghị TP điều chỉnh mức đơn giá xử lý nước thải cho hợp lý, bởi đơn giá hiện nay quá thấp, nguồn thu không đủ cho chi phí khấu hao.

Qua khảo sát thực tế, các thành viên đoàn giám sát đều cho rằng, trên địa bàn huyện hiện chỉ có 1/4 CCN có trạm xử lý nước thải nhưng đã được đầu tư từ lâu, công nghệ đã rất lạc hậu. Chính vì vậy, sau xử lý, đầu ra của xả thải không đảm bảo yêu cầu, bốc mùi rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới không khí xung quanh... Đồng thời, cơ chế kiểm định, thu phí, cơ chế vốn đầu tư tại trạm đang gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, Ủy viên Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Minh Đức cho rằng, TP đang rất lo lắng liệu chỉ tiêu tỷ lệ trạm xử lý nước thải tại các CCN của nhiệm kỳ 2015-2020 có đạt không; cần xem xét có cơ chế hỗ trợ DN để nâng cấp những trạm chưa đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn và quy chuẩn xả thải hiện nay. Phó Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh, nhiều khả năng đến hết nhiệm kỳ này, chỉ tiêu 100% CCN tại TP có trạm xử lý nước thải sẽ không đạt, khi đó sẽ phải kiểm điểm trách nhiệm của nhiều đơn vị, địa phương; Ban Đô thị HĐND TP cần kiến nghị UBND TP nếu cần thiết phải cho thanh tra, kiểm tra một số dự án đã đầu tư trạm xử lý nước thải đến nay chưa hoạt động. Hơn nữa, Chủ tịch UBND TP trong buổi làm việc với Thanh Oai tháng 11/2018 đã chỉ đạo rất rõ, phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo bảo vệ môi trường, nhưng từ 2018 đến nay tình hình môi trường xung quanh CCN Thanh Oai vẫn bị người dân kiến nghị bức xúc rất nhiều; vậy giải quyết vấn đề này thế nào, trách nhiệm thuộc về ai? Các sở ngành liên quan đã vào cuộc chưa? “Nếu cần thiết, tôi sẽ đề nghị TP xem xét giám sát các dự án này theo góc độ ngân sách, không thể để đồng vốn NSNN phát đến địa phương không được sử dụng hiệu quả”, ông Vũ Ngọc Anh nêu rõ.

 Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân phát biểu

Thay mặt đoàn giám sát, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân-Trưởng Đoàn giám sát đánh giá, huyện Thanh Oai đã đạt kết quả tích cực bước đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như tổ chức thực hiện quy định pháp luật về xử lý nước thải tại CCN. Dù vậy, tại huyện mới đầu tư được 1 trạm xử lý nước thải tại CCN, tới đây được TP đầu tư thêm 2 trạm, đặt ra vấn đề rất quan trọng về công tác quản lý các trạm này. Thời gian tới, đối với CCN đã được đầu tư là Thanh Thùy, Bích Hòa nhưng chưa có trạm xử lý nước thải, huyện cần sớm phối hợp với Ban QLDA Nông nghiệp và các sở, ngành để tính toán được quy mô xả thải của các DN trong CCN, đề xuất TP đầu tư cho phù hợp thực tiễn CCN, giúp sau này khi vào vận hành sẽ áp dụng được công nghệ hiện đại. Cùng đó, đầu tư cần đồng bộ về hệ thống xử lý nước thải và hệ thống thu gom, tách biệt thu gom nước mưa và nước thải- yếu tố ban đầu để các trạm xử lý nước thải trong CCN vận hành thường xuyên, hiệu quả. 

Đặc biệt, với những CCN đã hoạt động ổn định, Trưởng đoàn đề nghị huyện và các đơn vị rà soát về đánh giá tác động môi trường, trao đổi với Sở TNMT để hướng dẫn; trên cơ sở đó mới có giải pháp xử lý nước thải hiệu quả. Các CCN này đều thuộc trách nhiệm quản lý thu phí của huyện chứ không phải của DN, nên cần rà soát toàn bộ quy định liên quan. Đồng thời, chính quyền địa phương (Thanh tra TN&MT và Ban QLDA ĐTXD huyện) cần tăng cường kiểm tra giám sát, trong đó tăng kiểm tra đột xuất, giúp đánh giá hiệu quả hoạt động của DN và cũng là căn cứ pháp lý để giải thích với những kiến nghị của người dân.