Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nêu gương bằng những việc làm cụ thể

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao là bước phát triển rất quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là nhận định được nhiều nhà nghiên cứu chỉ rõ từ thực tiễn.

 Cán bộ Phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Hải
Trách nhiệm tự thân

5 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng trên 77.600 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Nếu chỉ tính tiêng từ đầu năm đến nay, đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức Đảng và 7.923 đảng viên vi phạm; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái, con số này tăng so với cùng kỳ trước. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kỷ luật đối với 1 tổ chức Đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Ngoài những con số không hề nhỏ ấy, trong thực tiễn còn có rất nhiều những biểu hiện thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên mặc dù chưa đến mức kỷ luật hoặc chưa đủ cơ sở để xử lý nhưng đang gây bức xúc trong Nhân dân. Từ việc cán bộ, đảng viên hách dịch, cửa quyền; đùn đẩy, né tránh trong công việc, việc dễ thì làm, việc khó thì chối, đến những ứng xử thiếu chuẩn mực trong cuộc sống... Điều đó cho thấy việc thực hiện trách nhiệm càng trở nên quan trọng và đòi hỏi ở mức độ cao. Bởi nêu gương thật sự là tự tu dưỡng, hướng tới những gì tốt đẹp, cao cả, cũng là sự phòng ngừa những sai phạm.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định: Câu nói “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” là lời khen chân thành của Nhân dân và cũng là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đọc Di chúc của Bác nghĩ về trách nhiệm nêu gương mới càng thấy rằng, mỗi người làm đúng theo lương tâm, trách nhiệm của mình chắc chắn sẽ tạo chuyển biến tích cực theo Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Bởi nếu 5 triệu đảng viên mà cứ bình bình, không mang hết tâm huyết, nhiệt tình thực thi công việc thì sẽ khó tạo ra những chuyển biến tích cực. “Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến tấm gương của những cán bộ, đảng viên và của người dân. Bản thân Người là tấm gương cao đẹp và trong sáng. Cán bộ, đảng viên nêu gương hôm nay cũng là tiếp tục truyền thống vẻ vang của Đảng, của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên các thời kỳ trước đây”- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích.

Tạo động lực trong công việc

Theo TS Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức điều lệ, Ban Tổ chức T.Ư, cán bộ, đảng viên có chức vụ càng cao càng phải coi trọng trách nhiệm nêu gương một cách thiết thực, chân thành. Mọi cán bộ, đảng viên nêu gương tốt, chắc chắn công việc được vận hành có hiệu quả. Nêu gương chính là tạo động lực trong công việc, đẩy lùi những biểu hiện trì trệ, lười biếng, ỷ lại và những tiêu cực khác.

Tuy nhiên, nêu gương phải bằng những việc làm, hành động cụ thể, không phải chỉ nghe báo cáo, viết báo cáo cho hay, tránh hô hào chung chung, không thực chất. Trong đó, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm, ở từng lĩnh vực, địa phương, đơn vị mà người dân quan tâm, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên theo các kênh khác nhau. Nêu gương từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc sử dụng xe công, tổ chức việc cưới, việc tang, tham dự lễ hội… đến việc nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công việc, của cán bộ, đảng viên. Đó là yêu cầu liên tục được quán triệt, nhấn mạnh.