“Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần được dẫn lại khi đề cập đến vấn đề nêu gương. Bởi muốn người khác nghe theo, bản thân cán bộ phải gương mẫu đi đầu, xung phong làm trước trong cuộc sống, công tác… Không chỉ nêu gương ở những việc lớn, kể những việc nhỏ trong cuộc sống hằng ngày cũng cần người lãnh đạo nêu gương cho cấp dưới. Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính đã nói: Không thay xe, sửa sang văn phòng khi lên chức, đi họp đầy đủ, đúng giờ, tắt điện, nước trước khi ra về… Thực hiện tốt những công việc đó cũng là nêu gương và càng chức vụ cao, các cán bộ, đảng viên càng cần gương mẫu. Đặc biệt, “cán bộ, đảng viên không được để vợ hoặc chồng, bố mẹ, con cái hay anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi; không để vợ hoặc chồng, con đẻ hay con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc là sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật” như các quy định đã chỉ rõ.
Cùng với “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH T.Ư Đảng” vừa ra đời năm 2018, trước đó nhiều nghị quyết, quy định về nêu gương cũng đã được ban hành. Tuy nhiên, thực tế những mục tiêu đề ra vẫn chưa đạt được, việc nêu gương vẫn chưa thành nền nếp, chưa thành các công việc cụ thể hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên. Thời gian qua đã phát hiện không ít người lợi dụng uy tín của lãnh đạo để thao túng một số vấn đề liên quan tới đất đai, mua sắm; lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân… Trong cuộc sống và trong công việc, không ai có thể khẳng định sẽ không mắc lỗi, vấn đề nằm ở chỗ, người cán bộ, lãnh đạo khi mắc lỗi đã nhận ra và dám nhìn thẳng vào lỗi lầm và có kế hoạch sửa chữa. Nhìn lại hành động thẳng thắn nhận lỗi của Bộ trưởng Bộ Công Thương khi ông coi đây là một bài học sâu sắc cho cá nhân, gia đình và Bộ Công Thương rất đáng hoan nghênh. Đây không chỉ là bài học riêng đối với cá nhân Bộ trưởng Bộ Công Thương, mà cũng là bài học cho cán bộ, lãnh đạo, người thân, cấp dưới các bộ, ngành khác, để không xảy ra việc tương tự. Bởi trong thời đại công nghệ thông tin, hình ảnh các nhà lãnh đạo đều được “soi” rất kỹ, việc tốt, việc xấu của họ đều được lan truyền rất rộng, rất nhanh. Vì thế, nếu người lãnh đạo biết làm gương, biết giữ gìn hình ảnh của chính mình cũng là giữ gìn hình ảnh của tập thể. Cán bộ giữ chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương càng phải được coi trọng. Nêu gương cũng là cách lãnh đạo hiệu quả nhất. Bởi việc thực hiện nghiêm ở trên sẽ tạo sức lan tỏa, thuyết phục lớn xuống phía dưới, trên gương mẫu nhất định dưới theo. Khi đó, việc nêu gương mới diễn ra hàng ngày, hàng giờ, gắn với công việc cụ thể, trở thành nét văn hóa trong đời sống của mỗi cán bộ, đảng viên.