Nếu không phát triển nhanh hơn, Đà Nẵng sẽ có nguy cơ tụt hậu

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu không phát triển nhanh hơn thì Đà Nẵng sẽ có nguy cơ tụt hậu so với các địa phương khác. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh nhưng phải bền vững, đảm bảo giải quyết được những vấn đề an sinh xã hội là thách thức rất lớn đối với Đà Nẵng.

Đổi thay nhờ các chương trình “5 không”, “3 có” và “4 an”
Ngày 25/9, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình “5 không”, “3 có” và “4 an” gắn với thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU về văn hóa, văn minh đô thị.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, chỉ sau 2 năm thực hiện Chương trình “5 không”, Đà Nẵng đã xóa hết 850 hộ đói. Từ năm 2002 - 2009, 2 lần nâng mức chuẩn nghèo, Đà Nẵng không còn hộ đói theo tiêu chí chuẩn quốc gia.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ từ năm 2009 và chuyển sang thực hiện mục tiêu “Không có học sinh bỏ học nửa chừng vì lý do kinh tế”. TP cơ bản không còn tình trạng ăn xin nhếch nhác, điểm nóng xin ăn. Tình hình buôn bán, sử dụng ma túy được kiểm soát. Tình trạng giết người để cướp của giảm đến mức thấp nhất.
Một góc TP Đà Nẵng.
Với chương trình “3 có”, Đà Nẵng đã xây dựng 10.836 căn hộ, nhà liền kề, ký túc xá, nhờ vậy người dân, sinh viên, viên chức... có nhu cầu về nhà ở đã được đáp ứng. Trên 30.000 việc làm được tạo ra góp phần giúp TP hạ tỷ lệ thất nghiệp từ 5,06% năm 2006 xuống còn 3,4% cuối năm 2019. Ngoài ra, Đà Nẵng đã xây dựng được 215 tuyến đường văn minh đô thị, 2.642 thôn/tổ dân phố không rác và 16 chợ đạt chuẩn văn minh đô thị…
Trong khi đó, thực hiện Chương trình “4 an” giúp Đà Nẵng không còn xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự. Từ năm 2016 đến nay, tình hình tai nạn giao thông đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Chất lượng y tế, giáo dục được nâng cao...
Bên cạnh những kết quả đạt được thì Đà Nẵng cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Theo Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh, do tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến sự gia tăng số lượng người nhập cư cơ học vào TP ngày càng lớn, đã kéo theo những ảnh hưởng nhất định như các vấn đề về nếp sống, an ninh, trật tự, sự quá tải của các cơ sở y tế, dịch vụ, giao thông, vệ sinh môi trường, nhà ở và nơi ở… Hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa theo kịp và đã có những biểu hiện quá tải.
Bên cạnh đó, là địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát, giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng cao đã tác động ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân TP, nhất là các đối tượng yếu thế.
Ngoài ra, một số mục tiêu, chương trình, đề án với nhiều nội dung với phạm vi triển khai rộng, liên quan trực tiếp đến cơ sở, trong khi nguồn lực con người và kinh phí hạn hẹp nên nhiều nội dung đã được xây dựng trong kế hoạch nhưng hạn chế hiệu quả trong công tác triển khai, còn tập trung bề nổi hoặc triển khai thiếu đồng đều giữa các nội dung.
Nếu không phát triển nhanh hơn, Đà Nẵng sẽ có nguy cơ tụt hậu
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng: “Đến nay cho thấy các chương trình đã gắn bó chặt chẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả của những chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” và thực hiện chủ trương năm văn hóa văn minh đô thị đã trở thành thương hiệu, đặc trưng riêng, mang đầy tính nhân văn của TP, tạo sự ổn định về mặt xã hội, làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện của TP; là cơ sở để xây dựng hình ảnh “Thành phố đáng sống” - niềm tự hào của người dân Đà Nẵng”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội nghị.
Theo Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Văn Quảng, trong thời gian đến, cùng với sự phát triển của TP thì Đà Nẵng đối mặt với rất nhiều vấn đề xã hội. Yêu cầu đặt ra là phải phát triển nhanh nhưng đòi hỏi bền vững thì mâu thuẫn này là một khó khăn thách thức.
“Chúng ta có một quá trình phát triển rất nhanh và đạt được những thành tựu. Nhưng trong thời gian gần đây, theo đánh giá của Ban chấp hành Đảng Bộ TP cũng như Ban Bí thư, Đà Nẵng có những điểm chững lại. Bộ Chính trị và Ban Bí thư lưu ý nếu không phát triển nhanh hơn thì Đà Nẵng sẽ có nguy cơ tụt hậu so với các địa phương khác. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh nhưng phải bền vững, đảm bảo giải quyết được những vấn đề an sinh xã hội là những thách thức rất lớn đối với Đà Nẵng”, ông Quảng cho hay.
Cũng theo ông Quảng, quá trình phát triển đồng hành với sự phân hóa khoảng cách giàu nghèo, yêu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người dân, đi kèm với đó là sự suy thoái về đạo đức lối sống, tình trạng ô nhiễm môi trường, chênh lệch về nhận thức văn hóa.
Cùng với đó, thiên tai dịch bệnh, tình hình tội phạm diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, Đà Nẵng đang đối mặt với những phát sinh do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, đó là tình trạng nguy cơ mất việc làm, tình trạng tái nghèo và những nguy cơ bất ổn tiềm ẩn.
“Quan điểm chủ trương nhất quán của TP là phát triển gắn với giải quyết các vấn đề về xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Mọi người dân TP đều có quyền được hưởng cuộc sống tốt nhất. Đây là những vấn đề khó khăn, phức tạp và thực hiện lâu dài nên đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân TP cùng thống nhất ý chí và hành động, chung sức đồng lòng”, Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.  

Năm 2000, Đà Nẵng ra đời chương trình "5 không" với các tiêu chí: Không có hộ đói (đến năm 2009 thì chuyển sang không có hộ đặc biệt nghèo); Không có người mù chữ (đến năm 2009 đổi thành không có học sinh bỏ học); Không có người lang thang xin ăn; Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng (đến năm 2016 đổi thành không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng); Không có giết người cướp của.

Đến năm 2005, Đà Nẵng đã bổ sung các mục tiêu, định hướng nhằm nâng cao chất lượng đời sống và xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị cho người dân trên cơ sở ban hành Chương trình "3 có": Có nhà ở; Có việc làm; Có nếp sống văn hóa văn minh đô thị.

Đến năm 2014, trước tình trạng văn hóa của TP phát triển chưa xứng tầm với kinh tế xã hội, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 43 để chỉ đạo tập trung thực hiện chủ trương năm văn hóa văn minh đô thị và đã được duy trì thường xuyên đến hôm nay. Năm 2016, để thực hiện mục tiêu thực hiện TP an bình, Thành ủy Đà Nẵng đã lựa chọn 4 vấn đề còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân để chỉ đạo thực hiện chương trình "4 an": An ninh trật tự; An toàn giao thông; An toàn thực phẩm; An sinh xã hội.