Không gây xáo trộn chương trình
Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cấp THPT. Theo chương trình, học sinh lớp 10 đang học 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với GDPT); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Thực hiện nguyên tắc bám sát chương trình GDPT 2018, Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ tổ chức thi theo môn. Thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn lựa chọn trong số 4 môn đã chọn học.
Thí sinh học chương trình chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn lựa chọn trong số 4 môn đã chọn học.
Như vậy điểm mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đó là không có bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội) và dù học chương trình nào (THPT hay giáo dục thường xuyên) thì Lịch sử vẫn là môn thi bắt buộc.
Góp ý kiến về Dự thảo trên, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT đều đồng tình khi Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc. Nhà giáo Vũ Trí Thức - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Đức B bày tỏ: “Khi Lịch sử là môn học bắt buộc thì việc đưa Lịch sử thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc là hợp lý, không gây xáo trộn gì so với kế hoạch giáo dục mà các nhà trường đang thực hiện”.
Khi có thêm Lịch sử, số môn thi bắt buộc là 4 môn (thay vì 3 môn so với trước đó) cộng 2 môn lựa chọn, tưởng chừng kỳ thi sẽ nặng hơn nhưng thực tế không phải vậy.
Những năm trước đó, học sinh cũng phải thi 6 môn bao gồm: 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh) hoặc một bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).
Vậy, việc đưa môn Lịch sử - một môn học thuộc khối Khoa học xã hội trở thành môn thi bắt buộc có tạo áp lực cho học sinh có định hướng thi những khối khoa học tự nhiên như (A00, A01, B00…) không?
Theo các nhà giáo thì hoàn toàn không phải vậy bởi kiến thức thi tốt nghiệp THPT chủ yếu nằm trong chương trình đã học và tất cả học sinh dù thi khối nào cũng đều học lượng kiến thức Lịch sử đại trà như nhau.
“Học sinh nên có suy nghĩ rằng: Học để thành công, học để đạt được mục tiêu mình mong muốn thì sẽ có những áp lực nhất định và không có chuyện muốn thành công trong việc học mà không phải trải qua áp lực” - nhà giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lương Thế Vinh chia sẻ.
Nhà giáo Nguyễn Quốc Bình cũng cho rằng: Không thể lựa chọn số lượng môn thi phù hợp, đáp ứng được nguyện vọng của tất cả học sinh. Vì vậy, các em nên chủ động xây dựng kế hoạch học tập sao cho phù hợp với mục đích, định hướng nghề nghiệp và trình độ của mình.
Kết cấu đề thi cần hợp lý
Em Nguyễn Hải Anh, học sinh lớp 10 Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân chia sẻ: “Vốn là một học sinh không thích Lịch sử nên nghe thông tin Lịch sử có thể là môn thi tốt nghiệp bắt buộc, em hơi lo lắng. Nếu chốt phương án này, em sẽ xác định tinh thần học tập nghiêm túc hơn với môn Lịch sử. Trong đó học cách hệ thống kiến thức và mốc thời gian để ghi nhớ nhanh nhất, cơ bản nhất nội dung môn học. Và cũng như các môn học khác, em xác định học đến đâu chắc đến đấy để giảm gánh nặng ôn thi về sau”.
Khi Lịch sử là môn thi bắt buộc, vai trò của giáo viên dạy Sử tiếp tục được nhắc đến trong việc đổi mới phương pháp dạy, tránh tình trạng đọc - chép, truyền thụ kiến thức một chiều; hạn chế việc học sinh sợ môn Lịch sử.
Theo yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên dạy Sử toàn quốc đã thành lập các mạng lưới để sinh hoạt, trao đổi chuyên môn. Các khu vực cũng có nhóm riêng cùng sẻ chia, giúp nhau cải tiến phương pháp dạy học.
“Tại Hà Nội, mạng lưới giáo viên dạy Sử hoạt động rất hiệu quả. Hàng tuần, hàng tháng, trước mỗi chủ đề chuẩn bị dạy, nhóm kết nối mời các giảng viên khoa Lịch sử thuộc ĐH Sư phạm Hà Nội hướng dẫn cách tiếp cận kiến thức, phương pháp giảng dạy; giao bài tập cho các giáo viên cùng thực hành và trao đổi, học hỏi lẫn nhau.
Sau mỗi lần chia sẻ, các giáo viên vỡ được ra nhiều điều cả về kiến thức và phương pháp dạy học. Các thầy cô giáo sẽ biết cách soạn bài, giảng bài phù hợp với đối tượng học sinh của từng lớp, giúp học sinh hiểu bài, có nhiều hoạt động tích cực trong giờ học, tiết học không còn nhàm chán mà rất sôi nổi, thú vị” - cô Nguyễn Thu Phương, giáo viên dạy Sử Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, thành viên mạng lưới giáo viên Sử chia sẻ.
Theo ý kiến nhiều thầy cô giáo, để tránh tạo áp lực cho học sinh thì phạm vi kiến thức trong đề thi môn Sử chỉ nên ở mức độ nhận biết và thông hiểu, không ra đề quá đánh đố học sinh.
“Yêu cầu trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử là kiến thức cơ bản và nếu triển khai môn thi này theo hướng bắt buộc thì cần sớm công bố phương án chi tiết để học sinh, phụ huynh, giáo viên sớm chuẩn bị về cả tâm lý và kiến thức” - nhà giáo Vũ Trí Thức, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Đức B nêu ý kiến.
Ngày 17/3/2023, Bộ GD&ĐT công bố rộng rãi Dự thảo Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để xin ý kiến góp ý (xem TẠI ĐÂY). Thời gian nhận góp ý: 17/3 - 17/5/2023.