Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, Việt Nam phải thận trọng cân bằng lợi ích thương mại lâu dài

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/9, Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là một vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của cả thế giới và dư luận trong những ngày qua. Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức mới, đặc biệt là phải thận trọng cân bằng lợi ích thương mại lâu dài khi CPTPP có sự góp mặt của Trung Quốc.

Mới đây (ngày 16/9), Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP. Quan điểm của ông về động lực khiến Trung Quốc có quyết định táo bạo này?

- Động lực mạnh mẽ nhất có lẽ là tham vọng của Trung Quốc muốn bành trướng thế lực về chính trị và kinh tế. Đây là cơ hội tốt để Trung Quốc “thay mặt” Mỹ trong ảnh hưởng kinh tế tại khu vực Thái Bình Dương. Mục đích chính Trung Quốc gia nhập CPTPP là sẽ tăng cường sức ảnh hưởng của mình, đặc biệt là tăng cường vai trò chỉ đạo trong thị trường Châu Á - Thái Bình Dương.

 Việt Nam vẫn đang nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc. Ảnh minh họa

Giả sử trong trường hợp, cả 11 nước thành viên đều đồng ý để Trung Quốc gia nhập CPTPP và khi quốc gia này chính thức gia nhập Hiệp định, quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước sẽ như thế nào, thưa ông?

- Trước hết, không phủ nhận về mặt lợi của khi Trung quốc vào CPTPP, hàng hóa của Việt Nam sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu của Trung Quốc và tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam bán tại Trung Quốc. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa hàng nội địa sẽ phải cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc bán tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đang nhập siêu với Trung Quốc và có thể trong tương lai cán cân thương mại lợi thế sẽ nghiêng về phía Trung Quốc. Do đó, Chính phủ cần thận trọng cân nhắc khi đồng ý cho Trung Quốc gia nhập CPTPP, nếu chúng ta chấp nhận đánh đổi lợi thế hàng hóa song phương với Trung Quốc

Điều tôi muốn nhấn mạnh là, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát vừa qua đã cho thấy sự lệ thuộc của thế giới vào nền kinh tế Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Khi Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì Việt Nam cũng rất khó khăn bởi nguồn cung bị đứt gãy. Khi nguồn cung bị đứt gãy đã tác động tiêu hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Vì vậy, sự lệ thuộc về nguồn cung nguyên liệu vào một quốc gia sẽ làm tăng mức độ rủi ro về thương mại cho Việt Nam.

Do đó, để trung hòa lợi ích thương mai lâu dài, Việt Nam cần phân bổ rủi ro bằng cách đa dạng thương mại hóa thị trường nhập khẩu của mình. Mặc dù Trung Quốc tham gia CPTPP, nhưng nếu chúng ta giảm được tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc và chuyển sang các quốc gia khác thì Việt Nam sẽ giảm thiểu được rủi ro.

Thứ hai, về thị trường cạnh tranh, nếu bán hàng cho Trung Quốc mà không chịu thuế nhập khẩu, đây là cơ hội để hàng Việt Nam tăng cường được tính cạnh tranh của hàng hóa. Cùng với đó, Việt Nam cần tăng cường nâng cao chất lượng hàng hóa để bán sang Trung Quốc được nhiều hơn. Nhất là khi quy định của CPTPP về giảm thuế nhập khẩu cho hàng Việt cộng hưởng với điều này thì rất có lợi cho hàng hóa Việt Nam.

Thứ ba, trong tương quan ngoại thương với thế giới thì không những Việt Nam có CPTPP mà còn có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Việt Nam nên tăng cường quan hệ với EU để tăng hoạy động xuất nhập khẩu với các nước EU. Điều này góp phần giảm bớt phần nào sự nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.

 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Ánh Ngọc 

Vậy, theo ông, nhóm mặt hàng xuất khẩu nào của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ CPTPP khi có mặt của Trung Quốc?

- Đầu tiên phải kể đến là nhóm hàng nông, thủy sản. Hiện nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam nên tiếp tục tăng cường xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản sang thị trường khổng lồ này. Tiếp đến là hàng điện tử, hàng tiêu dùng. Đây đều là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ngoài ra, nhóm dịch vụ cũng là nhóm hàng Việt Nam nên quan tâm vì trong thời gian tới khi dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, thì du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Việt Nam sẽ thu hút một lượng lớn du khách Trung Quốc khi quốc gia này gia nhập CPTPP.

Thực tế Việt Nam đang nhập siêu với Trung Quốc và xuất siêu với Mỹ. Vậy, trong trường hợp khi cả Trung Quốc và Mỹ gia nhập CPTPP sẽ tác động ra sao đối với cán cân thương mại, đặc biệt là giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thưa ông?

- Đó là kịch bản lý tưởng nhất. Hiện nay, Mỹ vẫn là nước tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam nhiều nhất thế giới. Nếu Mỹ tham gia CPTPP thì Việt Nam vẫn đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải giữ cân bằng xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong bối cảnh, Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh, khôi phục phát triển kinh tế tới mức độ thỏa mãn 2 yêu cầu tăng cường xuất khẩu sang Mỹ và tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc thì đây là sẽ là kịch bản tốt nhất.

Nếu Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang Mỹ, giảm xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng chắc chắn sẽ tăng nhập siêu đối với Trung Quốc thì đây là kịch bản xấu hơn.

Sẽ có cả thành viên đồng ý và có cả thành viên phản đối việc Trung Quốc gia nhập CPTPP. Chẳng hạn như với các nước: Nhật Bản, Canada và Newzealand, Trung Quốc sẽ khó mà vượt qua cửa ải của 3 nước này để vào được khối. Các thành viên khác như Singapore và các nước Nam Mỹ (Mexico, Chile…) sẽ trung lập hơn về vấn đề Trung Quốc tham gia. Riêng Việt Nam, tôi khuyến nghị Chính phủ cần thận trọng cân nhắc khi đồng ý cho Trung Quốc gia nhập CPTPP. Chúng ta chỉ đồng ý khi chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để chấp nhận đánh đổi lợi thế hàng hóa song phương với Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu