Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga - Ả Rập bắt tay giữa lo ngại giá dầu từ căng thẳng Mỹ - Iran

Hương Thảo (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dầu thô Brent đã tăng hơn 25% kể từ đầu năm 2019, nhưng mức giá có thể bị đình trệ khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại làm giảm nhu cầu và dầu Mỹ tràn ngập thị trường.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả Rập Mohammed bin Salman tại Thượng đỉnh G20 Osaka hôm 29/6.
Nga đã đồng ý với Ả Rập Saudi gia hạn một thỏa thuận với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về việc giảm sản lượng dầu khi giá dầu được cho là đang chịu áp lực mới từ nguồn cung tăng của Mỹ và sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Khalid al-Falih hôm 29/6 cho biết, thỏa thuận nhiều khả năng sẽ được kéo dài thêm 9 tháng và không cần giảm thêm nữa. Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu sau cuộc hội đàm với Thái tử Saudi Mohammed bin Salman, khẳng định rằng thỏa thuận quan trọng - hết hạn đúng hôm chủ nhật - sẽ được gia hạn theo đúng hình thức hiện tại.
OPEC, Nga và các nhà sản xuất khác (không bao gồm Mỹ) - một liên minh được gọi là OPEC+ - sẽ họp vào ngày 1-2/7 để thảo luận về thỏa thuận mới, liên quan đến việc kiềm chế sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày (bpd). Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran đã làm giảm nguồn xuất khẩu của Tehran xuống mức nhỏ giọt.
"Quan hệ đối tác chiến lược trong OPEC + đã dẫn đến sự ổn định của thị trường dầu mỏ và cho phép cả 2 giảm hay tăng sản lượng tùy thuộc vào điều kiện nhu cầu thị trường, góp phần vào khả năng dự đoán và tăng trưởng đầu tư trong ngành", giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, đồng thời là người đã thiết kế thỏa thuận Nga - OPEC, Kirill Dmitriev nói.
Theo Reuters, dầu thô Brent đã tăng hơn 25% kể từ đầu năm 2019, nhưng mức giá có thể bị đình trệ khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại làm giảm nhu cầu và dầu Mỹ tràn ngập thị trường.
Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak, thể hiện niềm tin rằng hầu hết các thành viên OPEC, bao gồm Iran, đều đã bày tỏ sự hỗ trợ để mở rộng thỏa thuận cắt giảm sản lượng.