Nga - Ả Rập kiếm bộn tiền từ nỗ lực siết nguồn cung dầu

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tờ Wall Street Journal của Mỹ, Ả Rập Saudi và Nga đã thu về hàng tỷ USD từ dầu mỏ trong những tháng gần đây nhờ đà tăng kỷ lục của giá dầu.

Moscow, Ryadh “thắng lớn” nhờ quyết tâm cân bằng thị trường

Tờ Wall Street Journal mới đây đưa tin Nga và Ả Rập Saudi đã hưởng lợi lớn từ đà leo dốc liên tục của giá “vàng đen”, sau khi hai quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới tự nguyện cắt giảm sản lượng.

Cả Nga và Ả Rập Saudi đều thu được gần 3 tỷ USD từ dầu mỏ trong quý III/2023. Ảnh: Themedialine
Cả Nga và Ả Rập Saudi đều thu được gần 3 tỷ USD từ dầu mỏ trong quý III/2023. Ảnh: Themedialine

Theo ước tính từ Energy Aspects được trích dẫn bởi Wall Street Journal, Nga đã kiếm được thêm 2,8 tỷ USD từ doanh thu dầu mỏ trong quý III/2023.

Trong khi đó, Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo thực tế của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), có thể tăng doanh thu thêm 2,6 tỷ USD từ việc bán mặt hàng này trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9, tương đương 30 triệu USD mỗi ngày.

Reuters ước tính, chỉ riêng doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt của Nga trong tháng 9 có thể đạt 7,6 tỷ USD, tăng hơn 14% so với tháng 8.

Trong khi đó, dữ liệu được Bộ Tài chính Nga công bố ngày 4/10 cho thấy doanh thu từ dầu khí của Moscow trong tháng 9 đạt 7,47 tỷ USD (739,9 tỷ ruble), tăng 15% so với tháng trước đó nhờ thu ngân sách từ thuế khai thác tài nguyên và thuế xuất khẩu tăng cao.

Theo bộ này, giá dầu Urals của Moscow trong tháng 9 đạt khoảng hơn 80 USD/thùng, cao hơn mức 68,25 USD/thùng trong tháng 9/2022 và vượt mức giá dầu 60 USD/thùng do phương Tây áp đặt đối với dầu Nga.

Giá dầu thế giới trong tháng trước đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2022 sau khi Nga và Ả Rập Saudi tự nguyện giảm sản lượng hàng triệu thùng ra thị trường toàn cầu. Do cung-cầu trên thị trường thắt chặt hơn, giá dầu Brent cũng ghi nhận mức tăng 27%, và dầu WTI của Mỹ nhảy vọt tới 29% trong quý III.

Giá dầu trong tuần này đã hạ nhiệt khi dầu Brent giảm về còn 85,99 USD/thùng, còn dầu WTI được giao dịch ở mức 84,40 USD/thùng khi chốt phiên ngày 5/10. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, giá dầu có thể sớm cán mốc 100 USD/thùng vào năm tới do đầu tư cho sản xuất nhiên liệu còn thấp cùng với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng.

Các nhà phân tích năng lượng nói rằng giá dầu sẽ còn diễn biến phức tạp trong ngắn hạn. Phần lớn các chuyên gia đều dự báo giá dầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của năm.

Thậm chí, chuyên gia về năng lượng Chrystian Malek của ngân hàng JP Morgan cảnh báo rằng kịch bản giá dầu tăng vọt lên hơn 100 USD/thùng sẽ sớm diễn ra và mức giá kỷ lục này có thể kéo dài cho đến cuối thập kỷ, nếu OPEC+ và các nước đồng minh, nhóm OPEC+ tiếp tục siết nguồn cung.

OPEC+ giữ nguyên chính sách giảm sản lượng

Theo hãng tin Reuters, trong cuộc họp trực tuyến ngày 4/10,  Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) của OPEC+ đã khuyến nghị các nước thành viên duy trì chiến lược cắt giảm sản lượng hiện tại, sau khi Nga và Ả Rập Saudi thông báo gia hạn quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện để giữ giá dầu ổn định.

Ngày 4/10,  liên minh OPEC+ quyết định giữ nguyên chính sách giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng vốn được thông qua từ năm ngoái. Ảnh: AP
Ngày 4/10,  liên minh OPEC+ quyết định giữ nguyên chính sách giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng vốn được thông qua từ năm ngoái. Ảnh: AP

Theo thông báo được đưa ra sau cuộc họp, JMMC cho biết ủy ban này tái khẳng định các nước thành viên OPEC+ cần tiếp tục duy trì chính sách cắt giảm sản lượng được thông qua từ năm ngoái đến cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, JMMC cũng sẵn sàng đưa ra các biện pháp cần thiết để ổn định thị trường dầu mỏ ở bất kỳ thời điểm nào.

Cuộc họp tiếp theo của JMMC sẽ được tổ chức vào ngày 26/11 tới trước khi  diễn ra cuộc họp cấp bộ trưởng các nước thành viên OPEC+.

Trước đó cùng ngày, hai nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, gồm Ả Rập Saudi và Nga, đã thông báo sẽ tiếp tục tự nguyện giảm sản lượng dầu đến cuối năm nay.

Ả Rập Saudi cho biết sẽ duy trì mức giảm 1 triệu thùng/ngày trong 2 tháng cuối năm 2023. Theo đó sản lượng của vương quốc dầu mỏ trong tháng 11 và 12 sẽ ở mức khoảng 9 triệu thùng/ngày. Riyadh sẽ xem xét lại việc điều chỉnh sản lượng trong tháng tới.

Trong khi đó, Nga cũng quyết định tiếp tục giảm xuất khẩu 300.000 thùng dầu/ngày từ tháng 10 cho đến hết năm nay.

Trước đó, Ả Rập Saudi quyết định tự nguyện cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ từ tháng 7 vừa qua và xem xét lại kế hoạch này mỗi tháng. Đến tháng 8, Nga thông báo sẽ giảm xuất khẩu 300.000 thùng/ngày cho tới cuối năm nay.

Trong bài phát biểu trên đài Rossiya-24 hôm 4/10, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, khẳng định nỗ lực cùng cắt giảm sản lượng của Moscow và Riyadh đã giúp cân bằng thị trường dầu toàn cầu. Quan chức Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng đang thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình”.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi kiêm Chủ tịch JMMC, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, tháng trước cho biết chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+ là cần thiết để ổn định thị trường, không nhằm mục tiêu vào giá cả.

Nhóm OPEC+ do Nga và Ả Rập Saudi đứng đầu đã thống nhất cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 10/2022 nhằm duy trì sự ổn định của thị trường.