Nga bị loại khỏi SWIFT, Việt Nam có bị “vạ lây”?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc bị phương Tây loại khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT, có thể gây ra những hậu quả nặng nề đối với Nga. Tuy nhiên, sự trừng phạt khắc nghiệt này cũng sẽ có những tác động không nhỏ đối với các nước khác.

Việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT không chỉ ảnh hưởng tới quốc gia này, mà còn ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác.
Việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT không chỉ ảnh hưởng tới quốc gia này, mà còn ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác.

Bất tiện trong thanh toán giao thương

Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) được xem là một hệ thống nền tảng cho thương mại quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất hiện nay, với sự liên kết hơn 11.000 tổ chức tài chính trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thống kê cho thấy, đã có hơn 40 triệu tin nhắn với lệnh chuyển hàng tỷ USD được gửi đi mỗi ngày thông qua SWIFT.

Hiện nay có 291 thành viên ngân hàng của Nga nằm trong hệ thống SWIFT đại diện cho 1,5% luồng giao dịch. Con số này tương đương với khoản thanh toán trị giá khoảng 800 tỷ USD mỗi năm. Đặc biệt, SWIFT cho phép các công ty năng lượng của Nga nhận tiền bán dầu và khí đốt trên toàn thế giới.

Đánh giá về tác động của việc Nga bị hạn chế tiếp cận hệ thống SWIFT, các chuyên gia cho rằng, Nga là quốc gia có các tổ chức tài chính kết nối SWIFT lớn thứ 2 sau Mỹ. Vì vậy, nếu việc các nước phương Tây ngắt SWIFT của Nga không chỉ làm ảnh hưởng đến thanh toán của quốc gia này mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước khác.

Nhiều khoản nợ các ngân hàng châu Âu đến hạn có thể bị các ngân hàng Nga mượn lý do không kết nối để hoãn thời gian trả. Khi đó, các ngân hàng châu Âu sẽ rơi vào tình thế lao đao.

Chưa kể, các quốc gia là khách hàng mua dầu khí và các sản phẩm xuất khẩu khác của Nga, sẽ hứng chịu hậu quả khi nước này bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế. Việc loại các ngân hàng Nga khỏi SWIFT có thể khiến giá dầu tăng mạnh  khi những rủi ro trong giao dịch dầu mỏ với Nga gia tăng.

Ít nhất 10 nhà giao dịch hàng hóa và dầu mỏ cũng cho rằng, dòng chảy hàng hóa của Nga tới phương Tây sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng hoặc bị dừng trong nhiều ngày cho đến khi có những miễn trừ được đưa ra. Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu năng lượng và hàng hóa của Nga sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, có thể vẫn sẽ được duy trì khi cả 2 nước đều đã phát triển hệ thống thanh toán thay thế SWIFT.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các giao dịch thanh toán quốc tế tại Việt Nam hiện được chủ yếu xử lý qua Dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua hệ thống SWIFT và Dịch vụ chuyển tiền Western Union (WU) do tổ chức tín dụng trong nước trực tiếp thỏa thuận, ký kết tham gia, hợp tác với các tổ chức quốc tế. Trong đó, việc xử lý qua hệ thống SWIFT là chủ yếu và chủ lực, bởi đây là hệ thống thanh toán toàn cầu hiện đại, nhanh chóng, độ bảo mật rất cao và chi phí thấp hơn các giao dịch thanh toán truyền thống khác.

“Riêng đối với Việt Nam, việc Nga bị "cấm cửa" sẽ có tác động nhất định tới các DN có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với quốc gia này. Mức độ tùy thuộc vào thương mại quốc tế Việt – Nga. Song, do thương mại quốc tế Việt – Nga chưa phải là lớn, nên mức độ tác động cũng không đáng kể”- bà Phạm Thị Hoàng Anh (Học viện Ngân hàng) đánh giá.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng DN kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng do lượng khách Nga đến các nước có thể sụt giảm. Kèm theo khả năng khách Nga khi du lịch ở nhiều nước khác trên thế giới khó dùng thẻ, mà phải dùng tiền mặt trong người để trả tiền ăn uống, khách sạn… gây nên bất tiện và rủi ro.

TS Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế cho biết, trước đây có phương thức thanh toán telex nhưng cách thức này dễ bị gian lận, Mỹ bắt chuyển tất cả thanh toán sang SWIFT. Tất cả thanh toán chính ngạch, chính thức, toàn thế giới đều phải thanh toán qua đó, không có phương thức nào khác. Ví dụ, Nga muốn xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, DN Việt Nam phải có tài khoản nào đó tại Vietcombank chẳng hạn.

Vietcombank phải có tài khoản ở ngân hàng thanh toán quốc tế của Mỹ, ngân hàng của Nga cũng phải có tài khoản tại ngân hàng thanh toán quốc tế, và tiền được chuyển qua đó chạy về Nga. Như vậy, một khi Nga bị "rớt" khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, thì phải tìm phương thức khác.

Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, hiện đơn vị không có giao dịch trực tiếp với các ngân hàng của Nga. Trước đây, có phương thức thanh toán telex - xác thực thông qua hệ thống bảo mật hai chiều giữa hai ngân hàng. Tuy nhiên, sau này hầu hết ngân hàng chuyển sang SWIFT bởi sự tiện lợi và bỏ hết các phương thức thanh toán cũ.

“Nếu Nga bị loại ra khỏi SWIFT sẽ rất khó khăn, nhưng không phải không có cách khác, nhưng sẽ bất tiện hơn. Ví dụ hiện mình đang dùng điện thoại smart phone nhưng nay phải chuyển sang điện thoại bàn, nên sẽ bất tiện. Hơn nữa khi quay lại cách cũ, phải thiết lập lại hệ thống trao đổi mã hoá hai chiều với nhau. Ngoài ra, cũng còn một số giao thức khác như thông qua blockchain chẳng hạn” - ông Nguyễn Đình Tùng cho hay.

CBR tăng lãi suất, áp lực nào cho chính sách tiền tệ?

Trong diễn biến mới nhất, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã tăng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20% khi đồng ruble của nước này chạm mức thấp kỷ lục so với đồng USD, do hàng loạt các áp chế trừng phạt mới do châu Âu và Mỹ với Nga.

Theo cơ quan này, các điều kiện bên ngoài đối với nền kinh tế Nga đã thay đổi mạnh mẽ, và việc tăng lãi suất cơ bản sẽ đảm bảo tăng lãi suất huy động lên mức cần thiết nhằm bù đắp cho rủi ro trượt giá và lạm phát gia tăng. Không chỉ Nga, trên thế giới, làn sóng tăng lãi suất để đối phó với lạm phát ngày càng lan rộng và tăng giá trị đồng bản địa.

Nga tăng gần gấp đôi lãi suất, khi đồng ruble có lúc giảm 40% so với đồng USD
Nga tăng gần gấp đôi lãi suất, khi đồng ruble có lúc giảm 40% so với đồng USD

Cuối tuần qua, giá USD trên thị trường quốc tế tăng mạnh, chỉ số USD-Index vượt 97 điểm, gần mấp mé mức cao nhất trong vòng một năm qua. Thêm vào đó, lạm phát vẫn tăng phi mã khiến nhiều chuyên gia chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất 0,25-0,5% trong phiên họp chính sách giữa tháng 3 tới.

Trước cơn bão điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có nhiều dự đoán, nếu khả năng này xảy ra, kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng. Trong đó, các rủi ro được tính đến nhiều nhất là tỷ giá tăng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt đỏ, lãi suất tăng…

Tuy vậy, các chuyên gia phân tích nhận định, Việt Nam đang có khá nhiều yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá và lãi suất: Quỹ dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục, vốn FDI chủ yếu đến từ nhà đầu tư châu Á và vẫn đang tăng trưởng tốt, kiều hối tăng đều đặn, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư…

“Với Việt Nam, tỷ giá có thể tăng nhẹ, nhưng không nhiều do kinh tế nước ta đang phục hồi (tăng trưởng khoảng 2% năm 2021 và sẽ phục hồi lên mức 6,5% - 7% nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện thành công chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội). Cung - cầu ngoại tệ cơ bản ổn và cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư”- TS Cấn Văn Lực phân tích.

Về lãi suất, NHNN cho biết để xác định dư địa giảm lãi suất tiếp hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố; trong đó có lạm phát. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện nay Việt Nam kiềm chế lạm phát khá tốt. Việc kiểm soát lạm phát tốt sẽ giúp giữ giá trị tiền và tỷ giá VND đi ngang so với đầu năm. Tuy nhiên, với bối cảnh kinh tế hiện nay, việc giữ mức lạm phát trong thời gian tới sẽ là rất khó khăn.

Tuy nhiên, việc tăng lãi suất sẽ đi ngược với chính sách hỗ trợ nền kinh tế phục hồi của Chính phủ hiện nay. Vị chuyên gia này đưa ra 2 kịch bản lãi suất trong năm 2022, tùy thuộc vào diễn biến dịch Covid-19 trong nước. Ở kịch bản thứ nhất, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, nền kinh tế phục hồi mạnh trở lại, nhiều khả năng lãi suất sẽ bật tăng trở lại. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không cao, tối đa cũng chỉ từ 0,5-1 điểm %.

Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với sự xâm nhập của biến thể Omicron gây ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp, nền kinh tế thì nhiều khả năng Chính phủ vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bằng cách giữ mặt bằng lãi suất thấp. Với kịch bản này, lãi suất có thể giảm từ 0,25-0,5 điểm % trong năm 2022.

Theo Công ty CP Chứng khoán VNDirect, khả năng NHNN sẽ không nâng lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2022, nhằm duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Giới phân tích cũng cho rằng bất kỳ hành động thắt chặt tiền tệ (nếu có) sẽ chỉ diễn ra sớm nhất là từ quý 3/2022 và mức độ tăng lãi suất khi đó sẽ rất hạn chế, ở mức từ 0,25-0,5 điểm %.