70 năm giải phóng Thủ đô

Nga cân nhắc cấm xuất khẩu nguyên liệu "chiến lược" với Mỹ

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bình luận của Nga được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc cho phép Ukraine tấn công các căn cứ quân sự sâu bên trong lãnh thổ nước này bằng tên lửa do NATO cung cấp.

Nga đang cân nhắc liệu có nên áp đặt lệnh cấm xuất khẩu uranium sang Mỹ trong bối cảnh căng thẳng giữa hai cường quốc tiếp tục gia tăng, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov hôm 14/9 khẳng định, đồng thời cho biết thêm rằng quyết định sẽ không thể được đưa ra một cách đơn giản.

Điện Kremlin đang cân nhắc lệnh cấm xuất khẩu uranium. Ảnh: intellinews
Điện Kremlin đang cân nhắc lệnh cấm xuất khẩu uranium. Ảnh: intellinews

"Chúng tôi đang đánh giá ưu, nhược điểm, những hậu quả tiềm tàng của động thái tương tự, theo dõi diễn biến của các sự kiện, nhưng không loại trừ khả năng áp dụng các biện pháp trả đũa nghiêm ngặt", Thứ trưởng Ryabkov tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh truyền thông BRICS, theo TASS đưa tin.

Những bình luận này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc cho phép Ukraine tấn công các căn cứ quân sự của Nga sâu bên trong nước Nga bằng tên lửa do NATO cung cấp.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nếu động thái của Mỹ được triển khai, sẽ đẩy NATO "trực tiếp" vào cuộc chiến và Nga sẽ đáp trả "thích hợp".

Phản ứng của Nga đối với việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev sẽ là "tàn bạo", Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov cho biết cùng ngày. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova sau đó nói thêm rằng phản ứng sẽ là "điều chắc chắn".

Tại một cuộc họp của chính phủ vào ngày 11/9 vừa qua, Tổng thống Nga Putin đã đề xuất xem xét các hạn chế đối với việc xuất khẩu các nguyên liệu thô chiến lược, bao gồm uranium, titan và niken, để đáp trả "hành động không thân thiện" của một số quốc gia. Tuy nhiên, ông Putin cũng lưu ý sẽ không thực hiện các bước có thể gây tổn hại đến lợi ích của Nga.

Như bne IntelliNews đã đưa tin, uranium là loại khí mới và giống như khí đốt, Nga là nhà sản xuất uranium thô lớn trên toàn cầu và quan trọng hơn là uranium làm giàu được sử dụng làm nhiên liệu trong các nhà máy điện hạt nhân (NPP), còn gọi là uranium bánh vàng.

Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu của Nga. Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA) gần đây dự báo nhu cầu uranium toàn cầu sẽ tăng 28% vào năm 2030 vì nhiều quốc gia đang xây dựng các NPP mới để đáp ứng các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Xuất khẩu hạt nhân của Nga đang bùng nổ và vì nước này cũng cung cấp tài chính để xây dựng các NPP hiện đại. Các quốc gia thị trường mới nổi đang nhanh chóng đăng ký các dự án của Nga. Hiện có khoảng 40 dự án đang được xây dựng hoặc đàm phán trên toàn thế giới. Chỉ riêng Nga và Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng tổng cộng 22 lò phản ứng mới vào năm 2023 và có nửa tá dự án khác do Nga hậu thuẫn trên khắp Châu Phi.

Hiện tại, công ty điện hạt nhân Rosatom quốc gia Nga kiểm soát khoảng 70% thị trường xuất khẩu thế giới về xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo các thỏa thuận thường đi kèm với hợp đồng cung cấp uranium trong 60 năm.

Mỹ cũng lập kỷ lục về lượng uranium nhập khẩu từ Nga vào năm 2023, chi 1,2 tỷ USD - mức cao nhất từng được ghi nhận. Nga là nhà cung cấp uranium hàng đầu cho Mỹ, trong khi Đức đứng thứ hai.

Các nhà máy điện hạt nhân chiếm 29% tổng số nhà máy điện tại Mỹ, nhưng quốc gia này hầu như không sản xuất nhiên liệu cho các nhà máy này. Gần đây, Mỹ báo cáo rằng họ đã sản xuất được 90 kg uranium đã làm giàu lần đầu tiên và đến cuối năm, con số này dự kiến ​​sẽ đạt một tấn mỗi năm. Tuy nhiên, con số đó vẫn ít hơn gần 700 lần so với lượng nhập khẩu hiện tại.