Nga: Cần tái khởi động đàm phán Thỏa thuận hạt nhân Iran “càng sớm càng tốt”

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Nga vừa kêu gọi các bên liên quan tái khởi động đàm phán tại Vienna, nhằm hồi sinh Thỏa thuận hạt nhân Iran.

 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters
Bộ Ngoại giao Nga hôm 26/8 cho biết, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã nói với người đồng cấp Iran Hossein Amirabdollahian rằng các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna nên khởi động lại “càng sớm càng tốt”. "Phía Iran cũng phát tín hiệu cho thấy đang xem xét nghiêm túc về việc nối lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân đa phương ký năm 2015", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Trong một báo cáo gần đây, cơ quan giám sát nguyên tử của Liên hợp quốc cho biết, Iran đã tăng tốc làm giàu uranium gần đạt mức phát triển vũ khí hạt nhân. Động thái mới nhất của Iran làm gia tăng căng thẳng với phương Tây, khi cả hai bên tìm cách nối lại các cuộc đàm phán về việc khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Tehran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).
Pháp, Đức và Anh - 3 cường quốc châu Âu còn lại trong JCPOA  - hôm 19/8 vừa bày tỏ quan ngại, về thông tin Iran đã nâng mức làm giàu uranium lên gần đủ để phát triển vũ khí hạt nhân, và khẳng định đây là sự vi phạm nghiêm trọng hiệp ước hạt nhân đa phương.
Trong tuyên bố chung, Pháp, Anh và Đức bày tỏ quan ngại về báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), qua đó xác nhận Iran đã sản xuất uranium làm giàu ở mức 20% và đang nâng dần mức độ tinh khiết lên 60%. Đây đều là những bước quan trọng trong phát triển vũ khí hạt nhân.
Các cường quốc châu Âu cũng chỉ trích việc Iran hạn chế sự tiếp cận của IAEA bằng cách rút khỏi các thỏa thuận giám sát, đồng thời hối thúc Tehran nối lại các cuộc đàm phán về Thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, gọi tắt là JCPOA.
Về phần mình, Iran khẳng định rằng họ không quan tâm đến việc phát triển bom, và việc làm giàu uranium là phục vụ chương trình hạt nhân dân sự.
Trước đó, hôm 16/8, IAEA nói rằng Iran đã đạt được tiến bộ trong công việc làm giàu kim loại uranium bất chấp sự phản đối của các cường quốc phương Tây. Kim loại uranium có thể được sử dụng để làm lõi của bom hạt nhân, nhưng Iran cho biết, mục đích của họ là hòa bình và chỉ sử dụng vật liệu này cho sản xuất năng lượng.
JCPOA đã được Tehran ký với nhóm P5+1 bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức vào năm 2015. Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi JCPOA và đơn phương áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Để đáp trả, kể từ tháng 5/2019, Iran đã nhiều lần cắt giảm mức độ tuân thủ cam kết trong JCPOA.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần