Nga cảnh báo 2 kịch bản "chạm trán" tên lửa Mỹ tại biên giới

Hương Thảo (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một khi Washington rút khỏi Hiệp ước INF thì tên lửa Mỹ tại châu Âu sát sườn Nga thành mục tiêu của Moscow cũng là điều dễ hiểu.

Phát biểu tại Diễn đàn Nga - Mỹ ở Stanford hôm 22/11, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng liên bang Konstantin Kosachev nhận định, nếu Washington đơn phương rũ bỏ Hiệp ước hạt nhân chiến lược tầm trung (INF) đã ký giữa 2 nước năm 1987, Mỹ nhiều khả năng sẽ triển khai các tên lửa gần biên giới Nga, có thể gây ra những xung đột quân sự.
Thượng nghị sĩ Konstantin Kosachev.
"Tôi có thể dự đoán rằng Mỹ rất có thể sẽ triển khai các tên lửa tầm trung và ngắn gần hơn với biên giới phía Tây và phía Đông của Nga", ông Kosachev nói, đồng thời đưa ra 2 kịch bản cho trường hợp này: "Một trạng thái sẽ được kích hoạt tự động: tất cả chúng (tên lửa Mỹ tại châu Âu) sẽ trở thành mục tiêu cho vũ khí phản lực của Nga. Chúng sẽ là khí tài đầu tiên bị phá hủy, nên nguy cơ xung đột quân sự có thể sẽ tăng cao".
Một viễn cảnh khác cũng được đưa ra, nhiều khả năng liên quan đến việc triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Moscow mà hiện vẫn đang bị cấm theo INF. Động thái này có thể diễn ra trên lãnh thổ nước này hay thậm chí là tại các quốc gia đồng minh của Nga.
Tuy nhiên ông Kosachev lưu ý hiện cả 2 kịch bản này vẫn đang chỉ là giả định và nhận định này cũng không có nghĩa là ông hoan nghênh khả năng hành động phòng ngừa của Nga bắt buộc phải diễn ra.
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump, vào hôm 20 và 22/10, tuyên bố trước công chúng rằng Mỹ có ý định rút khỏi INF, thì đến nay Washington vẫn chưa có thêm thông báo mới nào về vấn đề này cho phía Moscow. Trước đó, Mỹ hay NATO đã liên tục đưa ra các cáo buộc về việc Nga vi phạm Hiệp ước hạt nhân năm 1987, từ lâu vốn được xem là nền tảng giữ gìn an ninh hòa bình cho khu vực châu Âu. Tuy nhiên Moscow kiên quyết phủ nhận và còn nhấn mạnh, chính Mỹ mới là bên không tôn trọng INF.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần