Nga cảnh báo biện pháp “rắn” đối phó với trần giá dầu của phương Tây

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Moscow tuyên bố sẽ giảm sản lượng trong năm 2023, đồng thời cấm xuất khẩu dầu sang những nước ủng hộ biện pháp áp trần giá dầu Nga của phương Tây.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak. Ảnh: Tass
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak. Ảnh: Tass

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-24 hôm 23/12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Moscow có kế hoạch cấm cung cấp dầu và các sản phẩm dầu cho những nước yêu cầu tuân thủ quy định trần giá dầu trong hợp đồng. Theo đó, Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu mỏ tới 7% trong đầu năm 2023 sau khi các nước phương Tây thống nhất áp giá trần đối với dầu thô của nước này.

Theo Phó Thủ tướng Novak, mức cắt giảm sản lượng dầu có thể từ 500.000-700.000 thùng/ngày, tương đương với 5-7% tổng sản lượng khai thác của Nga. Ông khẳng định Moscow sẽ không giao dịch dựa trên các điều khoản về mức trần giá dầu, hãng tin Tass đưa tin. 

Ông Novak cho rằng chính các nước ủng hộ việc áp trần giá dầu sẽ bị thiệt hại. Theo ông, các nước châu Âu sẽ phải nỗ lực để tìm nguồn cung thay thế các sản phẩm xăng dầu của Nga sau khi lệnh cấm vận đối với dầu mỏ Nga có hiệu lực từ tháng 2/2023. "Châu Âu sẽ đối mặt khó khăn để tìm nguồn nhiên liệu thay thế dầu mỏ Nga. Chúng tôi vẫn bán các sản phẩm dầu mỏ trên khắp thế giới, trong khi châu Âu sẽ phải giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung. Điều này có thể đẩy giá dầu tại khu vực này tăng cao” - quan chức Nga cảnh báo.

Vị Phó Thủ tướng lưu ý thêm, giá khí đốt của Nga rẻ và nhu cầu mặt hàng này vẫn lớn. Ngoài ra, quyết định thành lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được đưa ra vào năm tới.

Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố dự kiến vào các ngày 26 hoặc 27/12 tới, ông sẽ ký sắc lệnh về các biện pháp trả đũa việc các nước áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga.

Đầu tháng này, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Australia và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga.

Nga sẽ cấm xuất khẩu dầu đối với những nước ủng hộ biện pháp áp trần giá dầu Nga của phương Tây. Ảnh: Tass
Nga sẽ cấm xuất khẩu dầu đối với những nước ủng hộ biện pháp áp trần giá dầu Nga của phương Tây. Ảnh: Tass

Việc áp trần giá dầu Nga bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12. Từ thời điểm này, EU sẽ không còn mua dầu thô xuất khẩu của Nga. Việc đưa ra mức giá trần đồng nghĩa với việc các nước tham gia sẽ chỉ được phép mua dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ vận chuyển qua đường biển của Nga được bán bằng hoặc thấp hơn mức giá trần.

Ngoài ra, EU cũng ngừng nhập khẩu các sản phẩm từ dầu của Nga từ ngày 5/2/2023.