Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga cảnh báo đáp trả nếu Mỹ đơn phương rút khỏi INF

Hương Thảo (Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những chỉ trích và thậm chí là đe dọa trả đũa đã được Nga lập tức đưa ra sau khi chính quyền Trump dọa xé bỏ Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung.

Tổng thống Donald Trump đã "gây bão" cuối tuần qua khi đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) - một thỏa thuận từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, với lý do là bởi đối tác Nga đã vi phạm hiệp ước.
Ông chủ Nhà Trắng bất ngờ tuyên bố về tương lai INF tại một sân bay ở Nevada hôm 20/10. Ảnh: Reuters
INF được ký bởi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào năm 1987, bao gồm các điều khoản nhằm loại bỏ các tên lửa hạt nhân và tên lửa thông thường tầm ngắn và tầm trung trên đất liền có khả năng đánh vào châu Âu hoặc Alaska của Mỹ.
"Đáng tiếc là Nga đã không tôn trọng thỏa thuận vì vậy chúng tôi sẽ chấm dứt và rút khỏi hiệp ước", ông Trump tuyên bố trước báo giới hôm 20/10.
Một ngày sau, thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đưa ra cảnh báo rằng một quyết định đơn phương như vậy của Washington sẽ là "rất nguy hiểm" và Moscow sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả đũa, bao gồm cả về mặt "kỹ thuật - quân sự".
"Chính quyền Trump đang sử dụng hiệp ước này như một cách để tống tiền Điện Kremlin, khiến an ninh toàn cầu gặp rủi ro...Tất nhiên, chúng tôi sẽ không đời nào chấp nhận", hãng tin Interfax trích lời ông Ryabkov.
Cũng theo Interfax, cựu Tổng thống Nga Gorbachev nói rằng sẽ là sai lầm nếu Mỹ từ bỏ INF mà không nhận thấy hết được hậu quả, đồng thời khẳng định điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mục đích chấm dứt Chiến tranh Lạnh mà ông và các đối tác Mỹ đã hướng tới khi cùng nhau ký vào thỏa thuận năm 1987, trong bối cảnh Liên Xô lắp gần 400 đầu đạn hạt nhân nhắm vào Tây Âu còn Mỹ thì đáp trả bằng cách bố trí các hệ thống tên lửa Pershing và Cruise khắp châu Âu.
Theo một phát ngôn viên của Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thảo luận cụ thể về kế hoạch bất ngờ này của chính quyền Trump khi ông có cuộc gặp mặt với cố vấn an ninh Mỹ John Bolton, dự kiến diễn ra ​​trong tuần này tại Moscow.
Các nhà chức trách Mỹ và châu Âu gần đây cho rằng Nga đang phát triển và thậm chí đã triển khai một hệ thống tên lửa có dấu hiệu vi phạm INF, khi nó có khả năng phát động một cuộc tấn công hạt nhân ở châu Âu trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên phía Moscow liên tục phủ nhận mọi cáo buộc như vậy.
Đáng chú ý, đồng minh NATO của Mỹ lại có những phản ứng trái ngược nhau trước tuyên bố hôm thứ 7 của Tổng thống Trump. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson khẳng định sự ủng hộ tuyệt đối của London với Washington về việc phản ứng lại sự vi phạm của Điện Kremlin, thì Ngoại trưởng Đức Heiko Maas lại kêu gọi Mỹ xem xét những hệ lụy của việc hủy bỏ một hiệp ước mà theo ông là "trụ cột của an ninh châu Âu" suốt 30 năm qua.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Corker, hiện là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, thì đưa ra nhận định về bản chất lời đe dọa rút khỏi INF của ông Trump khi so sánh với trường hợp thỏa thuận thương mại NAFTA gần đây.
"Điều này có thể sẽ giống như việc họ (chính quyền Trump) đe dọa hủy bỏ NAFTA và sau đó kết thúc đàm phán với một số thay đổi nhỏ...Vì vậy tuyên bố này có thể là một tiền thân, buộc Nga phải trở nên tuân thủ hơn", ông Corker nói với CNN.