Nga đưa lực lượng phòng thủ vũ trụ vào trực chiến

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 1/12, Nga đã đưa Lực lượng phòng thủ không gian-vũ trụ vào chế độ trực chiến.

Lực lượng mới này được thành lập dựa trên cơ sở thống nhất chỉ huy vũ trụ, chỉ huy phòng không và phòng thủ tên lửa cùng sân bay vũ trụ Plesetsk ở tỉnh Arkhangelsk. Trong đó, chỉ huy vũ trụ bao gồm các lực lượng và phương tiện thuộc hệ thống kiểm soát không gian vũ trụ, điều khiển nhóm quỹ đạo, cũng như các hệ thống cảnh báo những vụ tấn công tên lửa.

Tư lệnh Binh chủng Vũ trụ Nga, Trung tướng Oleg Ostapenko, cho rằng việc đưa lực lượng này vào trực chiến cho phép nâng cao đáng kể tính hiệu quả của hoạt động sử dụng các phương tiện thông tin, cũng như các phương tiện giáng trả để chống lại những kẻ thù từ không gian vũ trụ. Lực lượng này được giao nhiệm vụ cảnh báo mọi cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc các loại vũ khí khác từ bên ngoài, kiểm soát khoảng không vũ trụ, phóng và điều khiển các vệ tinh.

Theo ông Ostapenko, Lực lượng phòng thủ không gian-vũ trụ phải trở thành phòng tuyến đầu tiên của Nga trong việc chống lại các mối đe dọa quân sự có tính chất chiến lược, vốn đang gia tăng do kế hoạch của Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở châu Âu, gần với biên giới của Nga.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng để tăng cường sức mạnh cho lực lượng mới được thành lập này, cũng như toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa, Nga cần phải đẩy nhanh việc trang bị các trạm radar mới.

Thực hiện chủ trương này, ngày 29/11 vừa qua, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev một trạm radar mang tên Voronezh-DM đã chính thức được đưa vào trực chiến tại tỉnh Kaliningrad sau một năm hoạt động thử nghiệm tại đây.

Việc đưa hệ thống radar Voronezh-DM vào hoạt động sẽ cho phép quân đội Nga kiểm soát toàn bộ khu vực không phận châu Âu và Bắc cực.

Hiện Nga đang có hai trạm radar tương tự được vào chế độ trực chiến thử nghiệm ở tỉnh Armavir và Leningrad.

Nằm trong khuôn khổ Chương trình vũ trang quốc gia đến năm 2020, Bộ Quốc phòng Nga dự định sẽ thay thế các trạm radar phát hiện các vụ phóng từ xa của Liên Xô trước đây bằng các trạm radar Voronezh-DM mới và xây dựng một số trạm radar khác hiện đại hơn.

Dự kiến năm 2012, Nga sẽ lặp đặt thêm một trạm radar Voronezh-DM mới tại tỉnh Irkutsk. Nhờ có những trạm radar này, Nga sẽ không những khôi phục được việc kiểm soát hoàn toàn không gian vũ trụ khắp cả nước, mà còn vươn ra xa bên ngoài biên giới quốc gia "xứ sở Bạch dương"./.