70 năm giải phóng Thủ đô

Nga: EU đang gánh thiệt hại từ các lệnh trừng phạt chống Moscow

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga nói rằng các biện pháp trừng phạt của EU không có hiệu quả, ngược lại còn gây bất lợi cho chính châu Âu

Ngày 29/7, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nga Leonid Slutsky tuyên bố, Liên minh châu Âu (EU) sẽ không bao giờ đạt được mục đích khiến cho chính sách đối ngoại của Moscow có sự thay đổi.
 Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nga Leonid Slutsky
Tuyên bố trên được ông Slutsky đưa ra khi nói về bình luận mới đây của Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell trên nhật báo Tây Ban Nha El Pais rằng, "các biện pháp trừng phạt chống Nga là hữu hiệu, mặc dù không phải là không có tác dụng phụ".
"Người đứng đầu bộ phận ngoại giao châu Âu Josep Borrell nên ngừng tự huyễn hoặc bản thân. Không biện pháp nào mà phương Tây thực hiện đã hoặc sẽ ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Nga. Chính sách trừng phạt của EU không đạt được mục tiêu đề ra, có nghĩa là nó không hiệu quả. EU đừng quá ảo tưởng" - nhà lập pháp Nga viết trên kênh Telegram cá nhân hôm thứ Năm.
Ông Slutsky cũng nhấn mạnh rằng trên thực tế, EU đã đạt được sự suy thoái trong quan hệ với Moscow, và để tư tưởng thiểu số bài Nga vượt tầm kiểm soát..
Nhà lập pháp Nga cũng nhắc lại đề xuất gần đây của Pháp và Đức nhằm nỗ lực thúc đẩy Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU, song đã bị chặn bởi các nước Ba Lan và người Baltic - những người rất sợ mất cơ hội nhận trợ cấp do những suy đoán chống Nga.
Ông cũng dẫn dữ liệu từ một nghiên cứu được công bố vào cuối năm 2020 bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Dusseldorf của Đức, theo đó, châu Âu mất 21 tỷ Euro mỗi năm do các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Riêng Đức thiệt hại lên tới 5,45 tỷ Euro.
Theo ông Slutsky, nếu các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow được dỡ bỏ, kim ngạch thương mại Nga  - EU có thể đạt 550 tỷ USD mỗi năm.
Vào năm 2014, EU đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea. Kể từ đó, các biện pháp trừng phạt này liên tục được gia hạn và kéo dài. Các cuộc đàm phán về việc hủy bỏ thị thực và một thỏa thuận cơ bản mới về hợp tác đã bị đình trệ, một số quan chức Nga bị cấm đến các nước EU và tài sản của họ bị đóng băng. Ngoài ra, EU cũng thực hiện các hạn chế về thương mại, tài chính và quân sự đối với Nga. Đáp lại, Moscow cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước EU.