Nga gia tăng sức đề kháng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tình thế khó khăn về ngoại giao và kinh tế, chính quyền Nga đã gia tăng sức đề kháng cho hệ thống chính trị, tài chính bằng cách củng cố mối quan hệ hợp tác truyền thống với các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

Với sự tham dự của Tổng thống Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) vừa kết thúc tại Moscow, Nga đã thống nhất được một quyết định quan trọng.

 
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CST0).
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CST0).
Theo đó, hoạt động điều phối của CSTO sẽ được thực hiện tại Trung tâm Kiểm soát quốc phòng vừa được khánh thành tại Nga. Với những công nghệ tiên tiến nhất và duy nhất trên thế giới, ông Putin tin tưởng, khả năng quản lý hệ thống phòng thủ quốc gia của quân đội các nước thành viên CSTO sẽ được tăng cường, góp phần cải thiện sự phối hợp hoạt động quốc phòng giữa các nước. Quyết định này không chỉ giúp nâng cao sức mạnh quốc phòng của CSTO mà còn là thành công lớn trong chính sách đối ngoại của Nga tại khu vực. Nhờ đó, các nước thành viên CSTO có thể dễ dàng đối phó với các nguy cơ xung đột tiềm ẩn như cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Được thành lập từ năm 1992, CSTO là liên minh quân sự - chính trị của SNG là: Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan có nhiệm vụ huy động sức mạnh để bảo vệ lãnh thổ, không gian kinh tế của các nước thành viên trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Nhờ kiên trì hỗ trợ tổ chức này trong hơn 20 năm qua, Nga vẫn duy trì được sự hiện diện quân sự tại Trung Á.

Liên quan đến tình hình Ukraine, các nhà lãnh đạo CSTO ủng hộ việc sớm lập lại hòa bình ở quốc gia Đông Âu này, kêu gọi các bên kiềm chế, tránh để tình hình thêm phức tạp và sử dụng các biện pháp chính trị ngoại giao để giải quyết khủng hoảng. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Belarus và Kazakhstan vừa đưa ra các cam kết sẽ giúp đỡ Ukraine vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, trong khi Nga luôn khẳng định ủng hộ việc thực thi Thỏa thuận hòa bình tại Minsk.

Trong khi củng cố sức mạnh của CSTO - khối được giới quân sự toàn cầu gọi là “NATO của phương Đông”, Moscow cũng không quên gia tăng sức đề kháng cho nền kinh tế, vốn chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2014. Với sự lớn mạnh của Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEC), Nga sẽ có cơ hội để giảm thiểu tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tại lễ ký kết hiệp định gia nhập EAEC của Kyrgyzstan hôm 23/12, Tổng thống Putin khẳng định, EAEC sẽ mở cửa cho hoạt động của tất cả thành viên và các đối tác ở cả phương Tây lẫn phương Đông. Thừa nhận còn nhiều việc phải làm để EAEC trở thành một trung tâm kinh tế lớn nhưng liên minh kinh tế này sẽ dễ dàng giúp Nga tiếp cận với các nguyên liệu, sản phẩm bị phương Tây cấm nhập khẩu từ các nước thành viên để khôi phục sản xuất. Liên minh này cũng là một thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng cho hàng hóa và các nhà đầu tư của Nga.q