"Mỹ rõ ràng đã phạm sai lầm trong việc lựa chọn công cụ, nếu họ quyết định biến Tehran thành một nhà đàm phán dễ dãi, sẵn sàng cho bất kỳ thỏa thuận nào về các điều khoản của Mỹ thông qua việc đàn áp nước này về mặt kinh tế, giáng một đòn mạnh vào điều kiện sống của người dân Iran", báo cáo nêu rõ, "phần còn lại của thế giới hoàn toàn nhận ra rằng chính sách của Washington đang ngày càng trở nên hung hăng và liều lĩnh".
Bộ này cũng nói rằng, việc Mỹ từ chối gia hạn miễn trừ cho 8 quốc gia nhập khẩu dầu của Iran, dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 2/5 tới, kết hợp với sự hiện diện của "các nhóm tàu sân bay của Lầu Năm Góc gần Vịnh Ba Tư" đang gây ra những lo ngại lớn cả về kinh tế và an ninh.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, động thái lần này của Washington là sự phát triển đánh dấu 1 năm kể từ khi Mỹ từ chối tuân thủ các cam kết của mình theo Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) để đảm bảo tính chất hòa bình của chương trình hạt nhân Iran, mặc cho IAEA thường xuyên xác nhận rằng Tehran đang tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các điều khoản của JCPOA.
Về phần mình, thông cáo khẳng định cam kết không thay đổi của Nga đối với JCPOA, đồng thời kêu gọi các bên bình tĩnh để đảm bảo hoạt động ổn định của mình.
Tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã quyết định tạo một ngoại lệ trong 180 ngày đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran để ngăn chặn giá dầu tăng và dành thời gian để tìm kiếm các lựa chọn thay thế. Theo Washington Post, 3 trong số đó, cụ thể là Hy Lạp, Italia và Đài Loan, đã giảm nhập khẩu dầu của Iran xuống mức 0. Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản sẽ phải ngừng mua dầu từ Tehran, nếu không Nhà Trắng sẽ áp lệnh trừng phạt đối với các nước này. Bắc Kinh và New Delhi hiện được cho là những nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran.